Vào vụ chăm sóc rừng trồng
Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh đưa vào chăm sóc 19.500 ha rừng trồng, trong đó có 750 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 18.750 ha rừng trồng sản xuất. Hiện các chủ rừng tập trung chăm sóc, chủ động trong bảo vệ và PCCC rừng.
Sở hữu 20 ha rừng trồng gồm keo lai và bạch đàn vào độ tuổi gần khai thác, nên ông Lý Văn Sang (khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) rất siêng đi kiểm tra rừng, phát dọn thực bì, cành lá thường xuyên. “Toàn bộ diện tích rừng của nhà tôi được trồng từ năm 2001, đã qua 1 lần khai thác, chuẩn bị khai thác lần 2 vào đầu tháng 5 này. Tôi không khai thác đồng loạt mà tổ chức khai thác tỉa, khai thác những đám đủ chất lượng, những nơi có nhiều cây chết, bị khô để dễ trồng mới. Tôi thường xuyên vào kiểm tra, phát dọn cành khô, thực bì và theo dõi diễn biến, có bất thường thì xử lý liền hoặc liên hệ với cán bộ kiểm lâm ở khu vực để xử lý”, ông Sang nói.
Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kiểm tra diện tích rừng trồng của đơn vị. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Với những đơn vị trồng rừng gỗ lớn, chăm sóc rừng trồng trong những giai đoạn hình thành rừng rất quan trọng. Theo ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (Vân Canh), trong năm nay, Công ty đưa vào chăm sóc 1.189 ha tập trung ở các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hiệp (huyện Vân Canh) và 73,9 ha ở huyện KongChro (tỉnh Gia Lai); triển khai 2 đợt, đợt 1 từ ngày 1.3 - 30.4, đợt 2 từ ngày 1.9 - 31.10. Cùng với chăm sóc, bảo vệ rừng, đơn vị thực hiện trồng mới các diện tích rừng sản xuất ở các khu vực đã khai thác.
Hiện nay, huyện Hoài Ân là một trong vài địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh. Hàng năm, toàn huyện trồng mới khoảng 2.600 ha rừng, chủ yếu là keo lai; tổng diện tích rừng trồng toàn huyện khoảng 20.000 ha. Theo ông Hoàng Anh Thiện, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, việc chăm sóc đúng kỹ thuật, thời vụ giúp cây rừng phát triển và sinh trưởng tốt, đồng thời Hoài Ân cũng xem trọng việc tăng cường ý thức của người dân trong bảo vệ rừng; hạn chế nguy cơ cháy và kéo giảm thiệt hại. Mấy năm gần đây, huyện cũng tích cực hướng dẫn chủ rừng kỹ thuật trồng rừng thâm canh, động viên người dân chuyển dần sang trồng rừng bền vững nhằm gia tăng giá trị kinh tế và hạn chế khai thác rừng non; tăng độ che phủ của rừng.
Hiện Chi cục Kiểm lâm tập trung triển khai, đôn đốc các chủ rừng chăm sóc rừng đúng thời vụ; chủ động phương án PCCC rừng trong mùa nắng nóng, hạn chế rủi ro. Đến nay, toàn tỉnh có 150 nghìn ha rừng trồng, 80% trong số này là keo lai với các giống là AH1 và BV75. Bình Định đang tập trung hỗ trợ người dân chuyển sang trồng rừng bền vững - trồng rừng gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu cho hoạt động chế biến gỗ và lâm sản.
Q. BẢO