Chuẩn bị cho vụ Hè Thu năm 2022
Cùng với việc thu hoạch vụ Ðông Xuân 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương chuẩn bị cho sản xuất vụ Hè Thu năm 2022, đặc biệt là xây dựng phương án trữ và tưới tiêu hợp lý, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các diện tích khô hạn để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, căn cứ vào lượng nước các hồ chứa trong tỉnh, ngay sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, các địa phương chủ động xuống giống vụ Hè Thu theo lịch thời vụ. Dự kiến, vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh sản xuất gần 42.000 ha. Từ giữa tháng 3.2022, Sở NN&PTNT ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa để các địa phương chủ động triển khai.
Ngành nông nghiệp hướng dẫn các mô hình cây trồng cạn, trồng xen canh giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: THU DỊU
Năm nay, nông dân trong tỉnh xuống giống vụ Hè từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4; với vụ Thu, xuống giống tập trung từ ngày 1 - 15.5, những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới thì xuống giống sớm hơn, từ ngày 20.4. Về cơ cấu giống, ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân nên tập trung chọn các giống thích ứng với điều kiện nắng hạn và mưa lớn vào cuối vụ, trong đó với vụ Hè, chọn các giống có chu kỳ dưới 95 ngày, vụ Thu là các giống dưới 105 ngày…
Sau thu hoạch vụ Đông Xuân, HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) cung ứng vật tư nông nghiệp, động viên bà con tập trung xuống giống trên khoảng 100 ha vụ Hè. Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, cho hay: HTX niêm yết công khai bảng giá lúa giống để thành viên nắm thông tin và thực hiện; HTX hỗ trợ nông dân bằng việc cho tạm ứng giống và vật tư nông nghiệp để đảm bảo sản xuất trong tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao. Cùng với đó, nhờ hưởng lợi từ kênh tưới Thượng Sơn, chúng tôi đảm bảo sản xuất 60 ha lúa vụ Hè, 80 ha lúa vụ Thu, 270 ha cây rau màu. Nhằm giúp người dân tăng thu nhập, HTX hỗ trợ bà con chuyển sang trồng đậu phụng, bắp trên các chân đất lâu nay trồng mì kém hiệu quả.
Tương tự, Phòng NN&PTNT Hoài Ân cũng tích cực triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2022. Theo đó, huyện triển khai xuống giống các diện tích sản xuất đảm bảo ổn định về nguồn nước; riêng với các diện tích có nguy cơ khô hạn, ngành nông nghiệp tham mưu UBND huyện triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý.
Để đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu năm 2022, huyện Hoài Ân hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất các giống phù hợp, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cùng giống để giảm chi phí, áp dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa để tăng hiệu quả.
- Trong ảnh: Mô hình lúa thâm canh cải tiến SRI tại Hoài Ân vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, vụ Hè Thu năm 2022, toàn huyện xuống giống hơn 3.550 ha, trong đó chú trọng đưa vào các giống lúa năng suất cao, các giống lúa mới được công nhận trong cơ cấu giống của địa phương; tiếp tục duy trì diện tích cây trồng cạn. “Hoài Ân có định hướng phát triển các vùng chuyên canh về lúa, cây trồng cạn, cây ăn trái… Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ngành nông nghiệp huyện phối với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai các mô hình sản xuất như thâm canh cải tiến lúa SRI, sản xuất hợp chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ… để kéo giảm chi phí đầu vào, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Tín cho hay.
Đến nay, theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh có 101/163 hồ chứa đầy nước; dung tích khoảng 555 triệu m3, đạt 93,7% so với dung tích thiết kế. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất Hè Thu năm 2022, Chi cục phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, các địa phương chủ động xây dựng phương án tưới tiêu vụ Hè Thu hợp lý.
THU DỊU