HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM (21.4):
Để sách, văn hóa đọc đến gần công chúng hơn
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.4) được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò của sách với con người và đời sống xã hội. Dịp này, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh về thực trạng văn hóa đọc, chất lượng hoạt động thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Xuân Nhất. Ảnh: A.N
Chủ đề Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 là: “Chấn hưng văn hóa và phát triển Văn hóa đọc” đã thể hiện rõ tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc trong thời đại hiện nay.
* Thưa ông, ông nghĩ gì về nhu cầu, thói quen và xu hướng đọc sách của bạn đọc trong tỉnh hiện nay?
- Tùy vào lứa tuổi, trình độ, mỗi người có nhu cầu đọc sách khác nhau. Với người ở tuổi trung niên hoặc cao tuổi thích đọc những cuốn sách mang tính nhân văn, trí tuệ hoặc văn học kinh điển, sách theo chủ đề ưu thích. Giới trẻ thích đọc và sử dụng thiết bị công nghệ để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin. Hiện nay, thói quen và xu hướng đọc sách của bạn đọc trong tỉnh có chiều hướng giảm. Trong thời đại số, bạn đọc có xu hướng thích tiếp cận các nguồn thông tin nhanh trên các thiết bị công nghệ (máy tính, ti vi, điện thoại thông minh) hơn là đọc sách. Tôi nghĩ đọc bằng phương tiện, công cụ nào không quan trọng lắm, đọc trên bản in giấy hay trên máy đọc sách cũng tốt như nhau tùy điều kiện mỗi người, vấn đề cốt lõi là còn đọc và đọc thứ gì, lợi ích ra sao.
* Như vậy, để giữ được vai trò, vị thế như trước, hẳn hệ thống thư viện, tủ sách công cộng trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn…
- Ngoài Thư viện tỉnh, còn có 10 thư viện huyện, thành phố; 72 thư viện xã và tủ sách cơ sở. Phải thừa nhận rằng, hệ thống thư viện huyện, xã đa phần chưa được đầu tư đổi mới tương xứng, cách thức hoạt động xưa cũ, cầm chừng và hiệu quả không cao. Tủ sách cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn về cán bộ, vốn sách, báo. Chế độ phụ cấp hạn hẹp, khiến công tác phục vụ bạn đọc không đảm bảo, có nơi phải dừng phục vụ.
* Có ý kiến cho rằng, nên bỏ những thư viện hoạt động kém hiệu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thông tư 93 của Bộ VH-TT&DL hướng dẫn về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin có nói về việc này. Những thư viện, tủ sách cấp cơ sở hoạt động không hiệu quả có thể xóa bỏ hoặc tạm dừng hoạt động. Thay vào đó, Thư viện tỉnh sẽ có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành phục vụ sách, báo cho người dân ở từng địa phương.
Tuy nhiên, thư viện cấp huyện là thiết chế quan trọng nên cần được đầu tư, quan tâm để phục vụ công tác phát triển văn hóa đọc của địa phương theo kế hoạch của Chính phủ và UBND tỉnh.
* Để đưa sách đến công chúng, phát triển văn hóa đọc, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, Thư viện tỉnh sẽ có giải pháp gì?
- Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan tiếp tục luân chuyển sách đến các thư viện, tủ sách cộng đồng, thư viện trường học, các mô hình thư viện khác trên địa bàn tỉnh để đưa sách gần hơn với công chúng, nhất là vùng sâu vùng xa, miền núi. Đồng thời, triển khai có hiệu quả cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”, xe thư viện lưu động đa phương tiện hằng năm tại các trường phổ thông. Mở rộng vận động cuộc thi, xe thư viện lưu động trong các trường khác. Chú trọng đối tượng đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc trong giới trẻ. Thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện đến hệ thống thư viện trên toàn tỉnh nhằm quản lý và chia sẻ thông tin, sách, báo để đa dạng hóa nguồn tài liệu nhằm phục vụ tốt hơn công chúng tiếp cận với sách, thông tin trong thời đại số…
Học sinh, sinh viên đến Thư viện tỉnh đọc sách, tìm tư liệu. Ảnh: A.N
* Internet phát triển với nhiều nội dung giải trí trên các nền tảng khác nhau là tác nhân khiến bạn đọc xa rời thư viện công cộng. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ điều này là bình thường. Cuộc sống phải đi lên và những gì không phù hợp buộc phải biến mất. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nếu “nhiều nội dung giải trí” xuất hiện trên internet cạnh tranh, thu hút người đọc thì thư viện cũng phải xem đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thay đổi về cách thức phục vụ bạn đọc.
Chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11.2.2021, là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong công tác phục vụ độc giả thời kỳ mới. Tại Bình Định, kế hoạch về thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành. Đây là cơ hội rất tốt để hệ thống thư viện công cộng và các loại hình thư viện được đổi mới phương thức phục vụ, bổ sung tài liệu số, phục vụ qua không gian mạng nhằm khẳng định vị trí, vai trò và chức năng trong thời đại số.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)