Tuyên án 12 thành viên, ủng hộ viên của Tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"
Ngày 18.4, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền do các bị cáo là thành viên của Tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum.
Hội đồng xét xử nhận định, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi, tranh tụng công khai tại Tòa, có cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng truy tố, đúng người, đúng tội.
Các bị cáo hầu tòa ngày 18.4.2022. Ảnh: Thành Chung/TTXVN
Theo nội dung vụ án, Tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu, chỉ huy thành lập ở nước ngoài, có nhiều hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bạo động vũ trang chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời gian gần đây, các đối tượng cốt cán của tổ chức này như: “Trung tướng, Thứ tưởng Bộ Tài chính” Lâm Ái Huê, “Đại tá, Cục trưởng Cục Truyền thông công lý” La Ngọc Duyên, “Tổng Giám đốc Sở Dân vận” Nguyễn Thị Đăng, “Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục chiến tranh chính trị” Tôn Hoàng Vũ… liên tục lôi kéo, hướng dẫn đăng ký tham gia tổ chức và chỉ đạo các bị cáo trong vụ án. 12 bị cáo trong vụ án đã chủ động tham gia Tổ chức tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, tăng cường các hoạt động nhằm tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức, thực hiện “trưng cầu dân ý” bầu cho Đào Minh Quân làm “Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”.
Cụ thể, được Lâm Ái Huê hướng dẫn, bị cáo Trần Thị Ngọc Xuân (trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) chủ động tham gia và được tổ chức cấp cho bí số là A792. Khoảng tháng 3.2018, Xuân đã tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền cho tổ chức, lôi kéo, hướng dẫn cho 6 người đăng ký tham gia tổ chức; tự ý lấy thông tin cá nhân của người khác để đăng ký thực hiện “trưng cầu dân ý" cho Đào Minh Quân. Quá trình tham gia tổ chức, Xuân còn được các thành viên của tổ chức gửi số tiền tổng cộng 300 USD, 400 đô-la Canada và 3 triệu đồng.
Vào tháng 11.2018, Trần Thị Ngọc Xuân được Cơ quan Công an mời lên làm việc do có hành vi tham gia tổ chức và cam kết không tái phạm. Nhưng sau đó, Xuân vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho tổ chức trong việc tuyên truyền, phát triển lực lượng, phổ biển tài liệu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn như vào ngày 19.2.2019, lợi dụng việc đi thăm các hộ gia đình nghèo ở phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, Xuân đã mang theo 5 bộ tài liệu đã in ra và khi đến thăm ba hộ đã tuyên truyền về nội dung trong tài liệu và phát cho mỗi hộ 1 bộ.
Tại Đồng Nai, Lương Thị Thu Hiền tham gia tổ chức với bí số là A755 (sau này đổi thành A722); đến tháng 7.2019, được tổ chức bổ nhiệm làm Đại biểu khu vực Quận 4, 5, 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó theo chỉ đạo của tổ chức, Hiền đã thực hiện nhiều hoạt động chống phá trong nước như: Tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức; liên lạc với nhiều người quen biết, nói rằng đang tham gia một tổ chức nước ngoài đang có hoạt động từ thiện, cấp đất, cấp nhà cho người nghèo nên cần thu thập thông tin để đăng ký với tổ chức. Nhiều người nghe theo đã cung cấp thông tin cá nhân cho Hiền, thực chất Hiền dùng đã đăng ký “trưng cầu dân ý” cho Đào Minh Quân. Hiền được các đối tượng “Anton Nguyen" và “Vinh Tấn Lê" là thành viên của tổ chức gửi cho số tiền 200 USD và 100 bảng Anh để sử dụng tiêu xài cho bản thân.
Được La Ngọc Duyên hướng dẫn, bị cáo Nguyễn Thanh Xoan tham gia tổ chức với bí số là A1233, đã tích cực tuyên truyền, phổ biến trên Facebook cá nhân và in, tán phát khoảng 172 cuốn tài liệu “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa", một cuốn tài liệu “Sơ lược tiểu sử Thủ tướng Đào Minh Quân" cho nhiều đối tượng trong và ngoài nước, trong đó có các bị cáo trong vụ án này đã nhận tài liệu từ Xoan. Vào tháng 4.2019, Xoan bị Công an tỉnh Nghệ An mời lên làm việc và đã cam kết không tái phạm. Sau đó, Xoan vẫn tiếp tục hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền, tán phát các tài liệu cho tổ chức cho đến khi bị Cơ quan Công an bắt giữ.
Tại An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum, Trần Văn Long tham gia tổ chức với bí số là A1200, Nguyễn Minh Quang tham gia tổ chức với bí số là A1239, được phân công vào “Cục dân vận"; Hồ Thị Xuân Hương bí số là A1237, Nguyễn Thị Kim Phượng bí số A1208, Lê Ngọc Thành bí số A1245, Y Hon Ênuôl bí số A1234, Y Tũp Knul, Y Phương Ding Riêh và Phạm Hổ cũng có hành vi phạm tội tương tự. Ngoài ra, các bị cáo trong vụ án còn làm cờ vàng ba sọc đỏ với nhiều kích thước khác nhau.
Hành vi nêu trên của các bị cáo đã thực hiện là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã tác động trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của chính quyền nhân dân. Hội đồng xét xử tuyên phạt: Trần Thị Ngọc Xuân (sinh năm 1969) 13 năm tù, Nguyễn Thanh Xoan (sinh năm 1972) 12 năm tù, Lương Thị Thu Hiền (sinh năm 1968) 11 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù tới 10 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn bị phạt quản chế 2 đến 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
(Theo Hà Chung/TTXVN)