Nhiều trở ngại với chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2022-2023 là năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm đầu áp dụng cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Vấn đề cấp thiết hiện nay trong quá trình triển khai là thiếu giáo viên đang gây áp lực lớn cho ngành giáo dục các địa phương.
Tập huấn trực tuyến chương trình sách giáo khoa mới cho giáo viên Trường trung học cơ sở Thăng Long, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN HẠNH.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Nguyễn Văn Chiến cho biết, hai năm qua, địa phương đã cố gắng tuyển mới giáo viên nhưng có rất ít hồ sơ nộp vào, khi phỏng vấn chỉ còn vài ba người.
Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã làm việc với Trường đại học Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Việc sáp nhập các trường dẫn đến một số cơ sở giáo dục có quy mô lớn sẽ không phù hợp điều lệ của trường, không bảo đảm các tiêu chí công nhận trường chuẩn quốc gia... Mặt khác, cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng phòng học cho cấp tiểu học còn thiếu, không bảo đảm 1 lớp/1 phòng.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, khó khăn về cơ sở vật chất cũng xảy ra ở các thành phố lớn. Tại TP Cần Thơ, cấp tiểu học còn thiếu 39 giáo viên dạy môn Tin học và 36 giáo viên tiếng Anh; cấp THCS chưa có nguồn tuyển giáo viên ngoại ngữ 2; cấp THPT chưa có giáo viên phụ trách dạy Âm nhạc, Mỹ thuật.
Tại TP Đà Nẵng, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên của cấp THCS chưa được bồi dưỡng kịp thời để bảo đảm theo yêu cầu chương trình mới; việc tuyển dụng giáo viên văn hóa gặp nhiều khó khăn do số lượng đào tạo của các trường sư phạm hằng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của địa phương. Ngoài ra, do sĩ số học sinh tăng nhanh, một số trường tiểu học phải sử dụng phòng chức năng làm phòng học để bảo đảm việc học hai buổi/ngày; thiết bị dạy học các cấp chưa đáp ứng đầy đủ theo danh mục thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước những khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục đã tìm các giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tác động đến chất lượng dạy học. Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số giải pháp để các địa phương khắc phục từng bước việc thừa, thiếu giáo viên.
Bộ GD&ĐT đã chủ động làm việc với Bộ Nội vụ thống nhất bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu đối với ngành theo lộ trình. Trước mắt, ngành GD&ĐT đề xuất các cấp có thẩm quyền bổ sung 27.850 giáo viên cho năm học mới. Bộ GD&ĐT đã giao cho Trường đại học Sư phạm Hà Nội nghiên cứu và đã nghiệm thu đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”, phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường sư phạm, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ nguồn lực ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học để hạn chế tăng biên chế, sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông diễn ra nhanh, phạm vi rộng và trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, dẫn tới nguồn nhân lực biến động, thay đổi nhiều…
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có được chỉ tiêu; rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…
Về phía các tỉnh, thành phố, quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ đó có chỉ tiêu tuyển thêm, sử dụng ngân sách địa phương cho hợp đồng, bố trí dạy liên trường… để bảo đảm có giáo viên dạy các môn học trong chương trình mới. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, các đơn vị chuyên môn của Bộ GD&ĐT tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên một khung giá thiết bị trong danh mục trang thiết bị mà Bộ GD&ĐT quy định.
Theo NGUYÊN KHÔI (NDDT)