Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Solomon
Trung Quốc thông báo nước này đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, thỏa thuận khiến nhiều chính phủ phương Tây lo ngại.
"Ngoại trưởng Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã chính thức ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh gần đây", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Quần đảo Solomon Jeremiah Manele ký thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: CNS.
Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được tiết lộ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.
Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon được đàm phán trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng được nâng cao. Quần đảo Solomon tuyên bố cắt quan hệ với đảo Đài Loan sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Australia và Mỹ phải thay đổi phương án quân sự trong khu vực.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare ngày 1.4 khẳng định họ không có ý định cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.
Giới chức Mỹ cho biết nước này đang tìm cách thể hiện ủng hộ đối với Quần đảo Solomon, quốc đảo 800.000 dân đang đối mặt với bất ổn và đói nghèo. Hồi đầu năm, Mỹ thông báo sẽ mở lại đại sứ quán tại thủ đô Honiara.
Kurt Campbell và Daniel Kritenbrink, các quan chức hàng đầu phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ cùng phái đoàn tới thăm Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea trong tuần này.
(Theo Huyền Lê/VnE/Theo AFP)