Công bố nghệ thuật hát Aday là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 19.4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang tổ chức Tổng kết Liên hoan nghệ thuật các dân tộc năm 2022 và công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.
Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday. Ảnh: thegioidisan.vn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh trao bảng chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo UBND huyện Long Mỹ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của toàn thể nhân dân, tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Đó là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của nhân dân, trong đó, có vai trò rất quan trọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, liên hoan nghệ thuật hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 gắn với sự kiện tỉnh đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ với nhiều tiết mục đặc sắc, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.
Đây còn là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời, hình thức hát đối đáp của nam, nữ Khmer Nam Bộ, thường diễn ra tại lễ hội cộng đồng, nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc.
Muốn hát Aday phải có nhạc cụ hỗ trợ, người hát sẽ vừa hát, vừa đối đáp đan xen nhau trên nền nhạc. Nội dung của các bài hát thường là về tình yêu nam nữ, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu...
Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020”, tỉnh đã bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức hội thi, hội diễn, mở lớp truyền nghề, nâng chất hệ thống các câu lạc bộ.
Việc hát Aday được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ mở ra cơ hội để tỉnh Hậu Giang tiếp tục bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen cho 1 tập thể đạt giải Nhất trong Hội thi Liên hoan nghệ thuật các dân tộc tỉnh năm 2022.
Theo TTXVN/NDĐT