Thận trọng đối phó với tội phạm mạng
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy trước những chiêu thức, thủ đoạn đa dạng, đánh trúng tâm lý cả tin của nạn nhân.
Nhiều thủ đoạn
Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng CSHS, CA tỉnh) đã xác lập chuyên án, tập trung đấu tranh khám phá nhanh và bắt giữ Lê Phước Hiếu (SN 1993, xã An Hòa, huyện An Lão) khi đối tượng đang lưu trú tại phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương); đối tượng Hiếu có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng thủ đoạn tuyển dụng việc làm và hỗ trợ Covid-19.
Cơ quan CA làm việc với đối tượng Nguyễn Quang Đạt (ở tỉnh Quảng Trị) lừa đảo nhiều người qua mạng xã hội Facebook, trong đó có nạn nhân tại địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
Cụ thể, khoảng tháng 11.2021, Hiếu sử dụng tài khoản Facebook mang tên “Khánh Huyền”, đăng thông báo tuyển dụng của 1 công ty tại phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn), kết bạn khi nạn nhân có nhu cầu việc làm. Trong quá trình tiếp xúc với bị hại, Hiếu sử dụng nhiều tên khác nhau để bị hại tin đây là một công ty với nhiều người đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên. Bằng thủ đoạn này, bị hại L.T.T. (TX Hoài Nhơn) đã tin tưởng chuyển hồ sơ và đóng 250 nghìn đồng tiền đồng phục, đợi ngày đi làm. Tuy nhiên, sau đó, Hiếu thông báo vì dịch Covid-19 nên công ty chưa hoạt động lại, nhưng vẫn hỗ trợ tiền Covid-19 cho nhân viên với mức 120 nghìn đồng/ người/ngày. T. được hỗ trợ 14 ngày, để được nhận tiền hỗ trợ này, nạn nhân phải chuyển 150 nghìn đồng vào tài khoản do Hiếu cung cấp.
“Anh ta nói tôi chuyển sai cú pháp, và yêu cầu tiếp tục chuyển thêm. Sau đó, có 2 số điện thoại gọi đến xưng là cấp trên của Hiếu, thông báo vì tôi nhập sai lệnh quá nhiều nên công ty sẽ hỗ trợ để khắc phục lại và yêu cầu tôi tiếp tục chuyển thêm 3 triệu đồng. Và cứ thế, từ tháng 11.2021 đến ngày 21.2.2022, Hiếu đã chiếm đoạt của tôi tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng”.
Đáng chú ý, toàn bộ số tiền lừa đảo của nạn nhân, Hiếu sử dụng để đánh bạc.
Theo trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, khi xác lập tin báo và xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ hành vi lừa đảo của đối tượng Hiếu, việc xác nhận, rà soát khoanh vùng hết sức khó khăn, vì đối tượng sử dụng trang mạng xã hội không chính chủ. Tuy nhiên, tổng hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với CA các địa phương, lực lượng đã xác định được đối tượng nghi vấn nên ngay lập tức lên đường truy bắt.
Theo cơ quan CA, phần lớn các đối tượng lừa đảo nói chung và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng đều đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân. Như lừa đảo việc làm, thông qua trò chơi xổ số 3D, sàn vàng hoặc thông qua các hội nhóm mua bán đồ cũ… Như mới đây, được người lạ mời chào chơi xổ số 3D trên mạng với lời hứa sẽ cung cấp mã số trúng thưởng để được giải thưởng cao, nạn nhân N.T.D. (TP Quy Nhơn) đã tham gia với ý nghĩ cứ chơi vì số tiền cược ấy đã được bảo hiểm và khả năng trúng thưởng cao do đã có “tay trong”. Và D. trúng thưởng thật, tuy nhiên để được nhận tiền thưởng, hệ thống lại yêu cầu chuyển tiền vào.
“Liên tục bị thúc giục nếu không chuyển thì sẽ mất luôn số tiền đã trúng thưởng, với tâm lý muốn lấy lại tiền mình đã chuyển, tôi bị lừa mất trên 600 triệu đồng”, D. chia sẻ.
Thận trọng xác minh
Theo Phòng CSHS (CA tỉnh), từ đầu năm 2022 đến nay, qua tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến không gian mạng, đơn vị đã khởi tố 3 vụ, bắt được 1 đối tượng. Khi đã xác định rõ đặc điểm đối tượng, địa chỉ, thời gian và vị trí nơi đối tượng đang có mặt, đơn vị bố trí lực lượng để thực hiện lệnh bắt. Tuy nhiên, để có được chân dung về đối tượng thông qua các thông tin, hồ sơ, hình ảnh thu thập trên các nền tảng số phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Qua thực tế các vụ việc lừa đảo xảy ra, có thể bị hại do lo sợ việc làm của mình ảnh hưởng đến người nhà, sợ bị lên án nên khi gặp chuyện thường tự mình tìm cách gỡ.
Chính tâm lý này khiến cho nhiều bị hại khi đã sập bẫy lại càng lấn sâu hơn và mất nhiều tiền hơn. Như trường hợp của nạn nhân N.V.C. (TX Hoài Nhơn) sau khi nhận thấy mình bị lừa đã trình báo cơ quan CA, tuy nhiên khi về nhà, bị tội phạm tiếp tục điện thoại hối thúc thì vẫn tiếp tục chuyển tiền với hy vọng sẽ lấy lại được phần nào số tiền bị lừa trước đó.
Theo trung tá Nguyễn Thanh Bình, trước tình trạng tội phạm mạng ngày một tinh vi, cùng với công tác nghiệp vụ của lực lượng CA, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác. Khi vô tình nhận được cuộc gọi, hay lời mời trên mạng xã hội nghi mạo danh, phải nhanh chóng xác thực thông tin.
“Bên cạnh đó, người dân không nên vội tin vào những cuộc điện thoại hay tin nhắn tạo việc làm, kiếm tiền với lợi nhuận, lãi suất cao qua không gian mạng. Bởi đối tượng lừa đảo thường tạo tình huống cấp bách để dẫn dụ nạn nhân, làm nạn nhân mất cảnh giác, chúng ta cần “chậm lại” để thận trọng xác minh mọi thứ”, trung tá Bình khuyến cáo.
KIỀU ANH