10 năm tâm huyết 1 giống lúa mới
Giống lúa An Sinh 1399 (ANS1) đã được Sở NN&PTNT đưa vào cơ cấu giống lúa chủ lực của tỉnh. Đây là kết quả sau 10 năm nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống do Th.S Tạ Thị Huy Phú (41 tuổi), nghiên cứu viên của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và cộng sự thực hiện. Với nhiều ưu điểm vượt trội, ANS1 được kỳ vọng sẽ đem tới những mùa vàng bội thu.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Tuy Phước, Th.S Tạ Thị Huy Phú sớm tiếp xúc với ruộng đồng và cây lúa. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) chuyên ngành Nông học, chị trở về công tác tại Bộ môn Cây lương thực (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ). Năm 2018, chị đăng ký khóa học cao học chuyên ngành Khoa học Cây trồng, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), đến năm 2020 thì tốt nghiệp.
ThS Tạ Thị Huy Phú nói: Ước mơ rất lớn của tôi là được nhìn thấy giống lúa do mình chọn tạo, phát triển làm nên những mùa vàng từ đồng bằng tới miền núi, từ vùng hạn hán đến hạn mặn, hạn phèn. Ước mơ đó tạo động lực để ròng rã hơn 10 năm qua tôi nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống ANS1.
Thạc sĩ Tạ Thị Huy Phú nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới An Sinh 1399. Ảnh: A.N
Từ năm 2010 đến nay, Th.S Tạ Thị Huy Phú và đồng nghiệp đã lai tạo hàng trăm tổ hợp lai, chọn lọc được nhiều giống lúa có triển vọng, trong đó riêng vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 đã nhân 150 dòng/giống bố mẹ và đã lai tạo được 150 tổ hợp lai mới, đưa ra chọn lọc dòng ưu tú 95 tổ hợp lai F1, 50 tổ hợp F2 và 760 dòng đang phân ly ở thế hệ từ F3 - F6 để phát triển thành công nhiều giống lúa mới có triển vọng; trong số đó có giống lúa ANS1.
Giống lúa mới ANS1 được Th.S Tạ Thị Huy Phú cùng cộng sự chọn lọc từ tổ hợp lai (OM6916/ĐV108/OMCS98) theo phương pháp phả hệ với kế hoạch lai hữu tính, chọn dòng ưu tú, đánh giá từ mức độ kháng sâu bệnh, các chỉ tiêu xay xát cho đến chất lượng cơm… Giống lúa mới ANS1 được sản xuất thử từ năm 2016, đến năm 2018 được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức. Năm 2020, Sở NN&PTNT Bình Định đưa vào cơ cấu giống lúa sản xuất chủ lực của tỉnh.
Giải pháp “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới An Sinh 1399 ngắn ngày, phù hợp cơ cấu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Định” của Th.S Tạ Thị Huy Phú đã đoạt giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12, năm 2020 - 2021. Ngày 12.4.2022, giải pháp này được Hội đồng xét chọn danh hiệu Trí thức tiêu biểu về KH&CN tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2022 quyết định xét chọn để tôn vinh.
ANS1 là giống lúa ngắn ngày được đánh giá phù hợp cơ cấu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Định; với nhiều ưu điểm như: Thấp, cứng cây, có khả năng chịu lạnh - nóng, kháng sâu bệnh. Với chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế tốt, giống ANS1 được nhiều nông hộ trong tỉnh chọn sử dụng tại hàng trăm cánh đồng sản xuất tập trung với tổng diện tích gieo sạ hằng năm đến nay ước đạt hơn 15.000 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh gieo sạ hơn 5.000 ha giống lúa này, kết quả năng suất bình quân đạt 78 tạ/ha.
Th.S Tạ Thị Huy Phú còn là tác giả, đồng tác giả một số giống lúa khác phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau như: AN26-1, BĐR27, BĐR999, BĐR79, BĐR36…
“Lúa là cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ. Những năm gần đây, sản xuất lúa gặp nhiều bất lợi do tác động của biến đổi khí hậu (bão lũ, hạn hán), nhiều giống lúa thoái hóa nhanh, dễ nhiễm sâu bệnh hơn, làm hạn chế nhiều đến năng suất và hiệu quả sản xuất. Do vậy, nhu cầu phải có thêm nhiều giống mới thích ứng tốt với điều kiện môi trường, sản xuất và cả thị hiếu người dùng là rất lớn. Tôi và các cộng sự sẽ nghiên cứu, chọn tạo thêm nhiều giống lúa ngắn ngày, năng suất cao phù hợp cơ cấu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại tỉnh Bình Định. Cùng với đó, chúng tôi còn chú trọng công tác tuyên truyền về yếu tố xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”, Th.S Phú chia sẻ.
TRỌNG LỢI