Chung tay phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em
Sau Công điện ngày 13.4.2022 của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, các sở, ngành, địa phương tiếp tục vào cuộc với quyết tâm cao hơn.
Luôn luôn đau đáu
Không yên lòng là tâm trạng chung của đa số người làm công tác trẻ em các cấp trong bối cảnh hậu Covid hiện nay. Bởi sau một thời gian dài ở nhà học trực tuyến, được trở lại trường gặp gỡ bạn bè, nhiều học sinh có xu hướng tụ tập, rủ rê nhau đi chơi xa. Nỗi lo sẽ còn lớn hơn vào những tháng hè sắp tới, khi số em nhỏ ở nhà còn bố mẹ thì đi làm. Số em lớn tuổi thích đi tắm ở biển, ao hồ, sông, suối vào những ngày nắng nóng. Đáng báo động là hai năm qua, nhiều vụ đuối nước có từ 2 nạn nhân trở lên, do một số em nỗ lực cứu bạn không thành đã bị chìm cùng bạn.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ cho gia đình học sinh đuối nước ở huyện Tuy Phước. Ảnh: N.T
Sau một năm ròng không thể tổ chức lớp dạy bơi do Covid-19, huyện Tây Sơn - một trong những địa phương có nhiều ca đuối nước nhất tỉnh, đã quyết định tăng cường dạy bơi cho trẻ trong hè này và đẩy nhanh việc xây hồ bơi đặt trong các trường học từ nguồn ngân sách huyện và nhà hảo tâm. Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn so sánh, cũng giống như tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19, huyện xác định giải pháp phòng, chống đuối nước căn cơ nhất là dạy bơi cho trẻ.
“Cùng với công tác tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, giai đoạn “hậu Covid”, huyện đẩy mạnh dạy bơi và duy trì các cuộc thi bơi để kiểm tra kỹ năng của các em. Hồ bơi trong các nhà trường còn được trưng dụng cho học sinh các trường lân cận và trẻ em trong cộng đồng”, ông Mỹ cho hay.
Thời gian tới, huyện Phù Cát đặt mục tiêu giảm thiểu các loại hình tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có TNGT. Cùng với việc cung cấp kiến thức, yêu cầu tuân thủ nghiêm việc sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ, huyện có kế hoạch nhân rộng các mô hình: ATGT đường bộ cho trẻ, cổng trường an toàn, can thiệp giảm thiểu nguy cơ TNGT đường bộ cho trẻ tại những khu vực tập trung đông trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn giao thông cho trẻ.
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Thực tế trong những năm qua, nỗ lực phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em nếu chỉ các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện thì vẫn chưa đủ. Xác định vai trò rất quan trọng của người thân túc trực mỗi ngày bên trẻ, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai trong toàn tỉnh các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Trong giai đoạn “hậu Covid”, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhân lực kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác tại địa bàn và các gia đình, trường học. Đồng thời, đầu tư ngân sách địa phương và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế TDTT, phát triển hệ thống bể bơi để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em...
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, các bậc làm cha mẹ sau khi tham gia lớp tập huấn hãy tiếp tục tìm hiểu, cập nhật kiến thức và thường xuyên chia sẻ với người thân và con cái trong gia đình cũng như những người xung quanh.
“Hãy bắt đầu thay đổi từ nơi trẻ sinh sống, loại bỏ ngay những mối nguy hại với các em trong từng ngóc ngách của ngôi nhà. Dành thời gian trò chuyện nâng cao nhận thức, tìm kiếm cơ hội cho các em trải nghiệm, trang bị kỹ năng sống, bày biểu các em cách xử lý những tình huống nguy cấp”, ông Hùng kêu gọi.
Ở xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Thế Hải nhớ lại, trong khoảng 10 năm qua, đã có 4 trẻ em của xã tử vong do đuối nước tại biển Trung Lương (xã Cát Tiến). “Bám sát số liệu thống kê, phân tích nguyên nhân từng vụ tai nạn thương tích ở trẻ em giúp xã có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả hơn. Không chỉ làm tốt mọi thứ ở nhà mình, địa phương mình, chúng tôi còn cập nhật thông tin về những địa điểm ở ngoài xã mà trẻ em thường đến chơi, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến đến các em, nhất là những nguy cơ sẽ đối mặt trên đường đi đến hoặc tại địa điểm đó. Ngược lại, những ai từ xa đến xã nhà, chúng tôi cũng tìm gặp, chia sẻ với họ về những điều cần lưu ý, để họ biết mà tránh”, ông Hải cho biết.
NGỌC TÚ