Làm giàu từ vườn cây ăn trái
Từ năm 2015, ông Trần Văn Ra, SN 1960, ở làng Xà Tang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, đã đưa các loại cây ăn trái có múi về trồng. Nguồn thu nhập từ vườn cây ăn trái đã giúp ông thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Ông Đinh Kiêu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An đưa tôi đi tham quan vườn cây ăn trái rộng hơn 4,5 ha của ông Ra. Trước mắt tôi là gần 3.000 cây quýt đường, cam đường canh, mít Thái xanh tốt, lúc lỉu trái. Nắm rõ câu chuyện của người hội viên giàu sáng tạo, ông Kiêu kể: Những cánh đồi đầy sỏi này trước kia chủ yếu trồng chuối xiêm, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, sau một số lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông Ra nảy ra ý tưởng cải tạo vườn đồi để trồng cây ăn trái. Hồi đó ý tưởng như vậy là lạ lẫm lắm, mà ở xã miền núi như Vĩnh An có thể nói là rất táo bạo. 1.050 cây quýt đường ông Ra trồng lên xanh tốt. Thấy vậy, năm 2017, ông Ra cải tạo đất và trồng thêm 1.200 cây cam đường canh và 700 cây mít Thái.
Vườn cam đường canh của ông Ra phát triển tốt, bắt đầu ra trái. Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Theo tư vấn của cán bộ khuyến nông, ông Ra rất cẩn thận trong chọn nơi cung cấp cây giống. Theo đó, cây giống quýt đường và mít Thái, ông đặt mua từ nhà vườn chuyên sản xuất cây giống ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; còn giống cam đường canh thì đặt tại Trung tâm giống cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (TP Hà Nội).
Vườn cây ăn trái của ông Ra được đầu tư bài bản, phân lô, chia luống tươm tất. Ông còn đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun để có thể ngay lập tức tưới đều cho toàn bộ khu vườn. Đặc biệt, ông Ra thực hiện canh tác theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. “Tôi mua bánh dầu về ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón cho vườn cây, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng. Đến thời kỳ cây đâm đọt non, ra hoa kết trái, tôi thường xuyên theo dõi sự phát triển của sâu bệnh để kịp thời xử lý bằng các loại chế phẩm sinh học, bổ sung thêm lượng đạm, kali vừa đủ để cây phát triển tốt, cho trái đạt năng suất” - ông Ra nói.
Đến nay, vườn quýt đường 1.050 gốc đã cho thu hoạch ổn định 2 vụ/năm, vào tháng 4 và tháng 10 âm lịch; sản lượng đạt bình quân 25 - 30 tấn trái. Số quýt này được thương lái từ TP Hồ Chí Minh đặt mua với giá ổn định từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Ngay cả năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất nặng, giá quýt rớt xuống rất sâu chỉ còn 8.000 đồng - 10.000 đồng/kg, khác với nhiều nhà vườn khác, ông Ra không phải chạy tìm nơi tiêu thụ vì các thương lái vẫn thực hiện đúng hợp đồng giữa hai bên.
Ông Ra chia sẻ: Cuối năm 2021, khoảng 30 cây cam đường canh cho trái lứa đầu tiên, tôi thu được hơn 300 kg. Giống cam này khi chín có vỏ màu cam đậm, mỏng; thịt ngọt và mọng nước, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 4 và tháng Chạp. Cam đường canh có giá cao hơn các loại cam khác, bán ngay tại vườn đã được 60.000 đồng/kg. Ước tính vụ cam tháng 4 năm nay, tôi sẽ thu hoạch khoảng 25 tấn trái. 700 cây mít Thái cũng đang phát triển tốt. Giống mít Thái cho trái quanh năm và trái rất nhiều, nhưng tôi cắt tỉa, chỉ để lại mỗi cây từ 1 - 2 trái để cây không mất sức và to trái. Khi mít đủ 5 năm tuổi, tôi sẽ chăm để cây cho trái theo đợt và giãn thời gian thu hoạch để tránh hiện tượng “dội chợ”.
Trao đổi với tôi, ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho hay: Chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức cho bà con địa phương tham quan vườn cây ăn trái của ông Ra. Cách làm của ông Ra rất hay, phù hợp với điều kiện của địa phương và phát huy tối đa giá trị đất đai. UBND xã đã có kế hoạch chọn, đăng ký sản phẩm, hướng dẫn và hỗ trợ ông Ra hoàn thiện hồ sơ và gửi về huyện để được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian đến.
ĐÌNH PHƯƠNG