Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài
Bộ NN&PTNT vừa có Công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển về xử lý tổ chức, cá nhân để tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong quý I/2022 đã có 12 vụ, với 19 tàu và 131 ngư dân, thuộc 7 tỉnh, thành phố ven biển gồm Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang để tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép bị bắt giữ, xử lý. Việc này ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến nỗ lực nhằm gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng“ của Ủy ban châu Âu, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương chỉ đạo xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; báo cáo kết quả về Bộ NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một tàu cá vi phạm đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi cố tình ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) để đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, không thực hiện quy định kẹp chì, chuyển đổi thiết bị giữa các tàu,giả mạo đối với thiết bị được lắp đặt. Xác minh, xử lý nghiêm đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình cố tình làm sai lệnh thông tin, dữ liệu để chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện, kiểm soát hoạt động nghề cá tại cảng cá hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến và cập bến theo đúng quy định. Đồng thời xác định tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản có nguy cơ cao thực hiện hành vi vi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài để tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân hiểu rõ pháp luật về thủy sản của Việt Nam, của các nước, đặc biệt là các chế tài xử lý nếu vi phạm; vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để quản lý hiệu quả tàu cá của địa phương và tàu cá của địa phương khác đến hoạt động trên địa bàn.
Theo Minh Long (VOV)