Ngân hàng đẩy mạnh thu hút tiền gửi
Nền kinh tế đang từng bước phục hồi cũng là lúc hệ thống ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi và thêm các sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách hàng.
Từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi, trong đó có Ngân hàng TMCP Bản Việt - Chi nhánh Bình Định (VietCapitalBank Bình Định) đã ấn định lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 9 tháng đến 11 tháng là 6,2%/năm, tăng 0,2% so với tháng trước; kỳ hạn 24 tháng cũng tăng 0,2%; kỳ hạn từ 36 - 60 tháng có mức tăng chung là 0,1%. Với kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi trực tuyến, VietCapitalBank Bình Định áp dụng mức lãi suất 7,4%/năm. Ngoài các hình thức trả lãi thông thường, trong tháng 4.2022, ngân hàng còn áp dụng thêm các hình thức trả lãi khác nhằm tăng tiện ích cho khách hàng, như: Trả lãi ngay tại thời điểm gửi tiền từ 3,8 - 6,02%/năm; trả lãi hằng tháng từ 3,8 - 6,4%/năm và trả lãi theo quý, từ 5,8 - 6,41%/năm.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Quy Nhơn. Ảnh: TIẾN SỸ
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng khác như: Sài Gòn Thương Tín, Nam Á, Bắc Á, Việt Nam Thịnh Vượng… cũng tăng đáng kể so với nhiều tháng trước. Một số ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm của ngân hàng số, thu hút thêm khách hàng. Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định), trong tháng 12.2021, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lần lượt là 3,1%/năm và 3,2%/năm lĩnh cuối kỳ, thì nay lãi suất tăng lên mức 3,3%/năm và 3,4%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng tăng đáng kể so với cuối năm 2021.
Theo ông Trầm Lợi Thuật, Giám đốc Sacombank Bình Định, khách hàng giao dịch trực tuyến, lãi suất cao hơn giao dịch tại quầy từ 0,3 - 0,5% tùy kỳ hạn. Cách làm này giúp khách hàng giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng phát triển.
Khác với nhóm ngân hàng dân doanh, lãi suất huy động cho cả phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng DN của nhóm các ngân hàng gốc quốc doanh như: Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định); NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định); Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định); Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietinbank Bình Định)… vẫn không có nhiều thay đổi so với những tháng trước.
Đặt mục tiêu tăng 10% vốn huy động so với năm 2021, nhưng từ tháng 9.2021 đến nay, Agribank Bình Định vẫn duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng ở mức 2,9%/năm dành cho tổ chức và 3%/năm dành cho cá nhân; mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,4%/năm dành cho cá nhân ở kỳ hạn 48 tháng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: Cùng với hoạt động kinh doanh, Agribank Bình Định còn thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN khôi phục phát triển kinh tế. Nếu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, ngân hàng sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, chắc chắn cộng đồng DN cũng không muốn vay vốn với lãi suất cao. Hơn nữa xét lợi ích tổng thể, chúng tôi vẫn đảm bảo cân đối tốt cho khách hàng của mình. Vì vậy, ngân hàng ổn định lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, từ ngày 1.10.2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi như thế nào phụ thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng, linh hoạt theo từng thời điểm và phụ thuộc vào cả tâm lý của khách hàng.
PHẠM TIẾN SỸ