ỨNG DỤNG PHẦN MỀM FRESHLEARN TRONG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN:
Giúp nông dân trở thành “chuyên gia” trên đồng ruộng
Năm 2021, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm NewZealand hỗ trợ dự án Rau an toàn Bình Ðịnh xây dựng và hoàn thiện ứng dụng Freshlearn/saubenhhaitrenrau. Mục đích của ứng dụng này là hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, cách nhận diện sâu bệnh và giải pháp phòng chống, nâng cao kỹ năng thực hành sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP.
Từ cuối năm 2021, dự án Rau an toàn Bình Định tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn tiếp cận, cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý sâu bệnh hại Freshlearn/saubenhhaitrenrau cho các nhóm cùng sở thích trên địa bàn tỉnh.
Dự án Rau an toàn tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, các thức sử dụng phần mềm Freshlearn trên điện thoại cho các nhóm cùng sở thích. Ảnh: VP dự án Rau an toàn Bình Định
Trong tháng 4.2022, dự án trang bị 40 chiếc điện thoại di động thông minh cho 40 nhóm trưởng nhằm đưa thông tin tới gần hơn với các nông dân trong thực hành sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP. Cùng với đó, các chuyên gia của ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu riêng về ứng dụng quản lý sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn nông dân cách cài đặt và áp dụng trong sản xuất hàng ngày.
Ngay sau khi được hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm Freshlearn, nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) phổ biến cho các thành viên trong nhóm; đồng thời nhóm trưởng cùng các thành viên trao đổi và chia sẻ thông tin cùng nhau trong quá trình sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, nhóm trưởng nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn Định Bình, việc được trang bị, hỗ trợ điện thoại để theo dõi và cập nhật các thông tin liên quan đến sâu bệnh hại giúp nông dân kịp thời nhận biết, xử lý ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên về sâu bệnh. Trường hợp những sâu bệnh khó xử lý, nhờ phát hiện trước, phát hiện sớm, nông dân có thể trao đổi với cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để xử lý hiệu quả. Hiện nhóm cùng sở thích Định Bình có 10 thành viên, duy trì 2 ha rau an toàn hợp chuẩn VietGAP với các giống rau như: Súp lơ, cải ngọt, xà lách cuộn giòn…
Tương tự, tại các nhóm cùng sở thích của HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, Tuy Phước) bắt đầu phổ biến các thông tin từ phần mềm Freshlearn cho thành viên. Toàn HTX đã xây dựng được vùng sản xuất hợp chuẩn VietGAP 13,5ha/255 hộ nông dân tham gia.
Bà Võ Thị Lan (HTXNN Phước Hiệp) chăm sóc diện tích rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, áp dụng các kiến thức về phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất rau an toàn. Ảnh: THU DỊU
Bà Nguyễn Thị Lan, thành viên nhóm cùng sở thích thuộc HTXNN Phước Hiệp, chia sẻ: “Tôi tham gia nhóm ngay từ khi dự án mới bắt đầu triển khai. Ban đầu chưa hiểu lắm về sản xuất an toàn hợp chuẩn VietGAP nên thấy khó. Giờ mình làm quen và thành thạo rồi nhận ra thực hành sản xuất VietGAP thuận lợi về nhiều mặt, quan trọng đảm bảo an toàn cho cả người trồng rau và người ăn rau mình trồng. Sắp tới đây, HTX có thông báo phổ biến các thông tin về quản lý sâu bệnh hại, hướng dẫn cho chúng tôi cách nhận biết, các vấn đề phát sinh trong xử lý sâu bệnh, hướng tới sản xuất tốt hơn”.
Nói về việc trang bị kiến thức cho nông dân, nhận diện sâu bệnh bằng công nghệ, ông Trần Ngọc Sỹ, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) - người phụ trách kỹ thuật, giảng dạy, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phần mềm - chia sẻ: “Ứng dụng quản lý sâu bệnh hại Freshlearn được xây dựng và hoàn thiện bởi các chuyên gia của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm NewZealand. Phần mềm hiển thị thông tin trực quan, giao diện dễ sử dụng, nông dân có thể áp dụng và thực hành ngay. Với điện thoại có cài đặt ứng dụng này, các nhóm trưởng xâu đầu mối thông tin trong thành viên, nhận diện sớm các sâu bệnh hại để xử lý kịp thời”.
Theo ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên dự án Rau an toàn Bình Định, việc trang bị điện thoại cho các nhóm trưởng trước mắt nhằm hỗ trợ từng nhóm nông dân trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến sâu bệnh hại, về lâu dài còn giúp nông dân tiếp cận với thông tin, khoa học công nghệ. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến, đào tạo để nông dân trở thành các “chuyên gia” trên đồng ruộng, làm chủ cánh đồng của mình, làm chủ sản xuất, ổn định sinh kế.
THU DỊU