Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh biểu diễn trở lại: Khán giả ủng hộ nồng nhiệt
Sau hơn 1 năm tạm ngưng biểu diễn do dịch Covid-19, Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã có đợt lưu diễn thành công phục vụ nhân dân Hoài Ân nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2022).
Được biểu diễn sau thời gian dài tạm nghỉ, tập thể diễn viên, nhạc công của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định rất vui mừng gặp lại khán giả trong 4 đêm diễn tại thị trấn Tăng Bạt Hổ (tối 14 - 15.4) và xã Ân Tường Đông (tối 18 - 19.4). Chuẩn bị cho đợt biểu diễn đặc biệt này, Đoàn đã tích cực tập luyện hai vở diễn, gồm: Thanh gươm công lý (tác giả kịch bản Đoàn Thanh Tâm, tác giả chuyển thể bài chòi NSƯT Nguyễn Tấn Hào) và vở Nửa đời hương phấn (tác giả kịch bản Hà Triều - Hoa Phượng, tác giả chuyển thể bài chòi NSƯT Nguyễn Tấn Hào) để phục vụ công chúng với chất lượng tốt nhất.
Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định diễn vở Thanh gươm công lý tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Suất diễn đầu tiên vào đêm 14.4 , Đoàn diễn vở Thanh gươm công lý tại hội trường Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân (thị trấn Tăng Bạt Hổ), khán giả đã nô nức đến từ sớm để xem. Ông Huỳnh Tấn Lợi, ở thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, tươi cười nói: “Nghe thông tin Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định về biểu diễn, ngay từ chiều vợ chồng tôi lo ăn cơm sớm rồi đi xem. Lâu lắm rồi, do dịch bệnh nên người dân chưa được thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nên giờ bà con háo hức lắm, kéo nhau đi xem, vui như ngày hội. Người xem đông, nhưng ai nấy đều giữ trật tự, lắng nghe từng lời ca, dõi theo các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu”.
Ngồi kế bên, ông Nguyễn Văn Dũng, ở khu phố Gia Chiểu 2, thị trấn Tăng Bạt Hổ, vui vẻ cho biết: “Những ngày diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, không khí ở thị trấn náo nhiệt hẳn lên, bà con nhân dân rất vui vì được xem nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Nhà ở gần đây, nhưng gia đình tôi phải đi thật sớm, chọn chỗ ngồi gần sân khấu để theo dõi vở diễn”.
Xúc động trước sự đón nhận của khán giả trong đêm diễn đầu tiên, NSƯT Hoài Nam tâm tình: “Anh em trong Đoàn vui lắm vì bà con ủng hộ đến xem rất đông. Tôi có dịp được biểu diễn tại quê hương Hoài Ân trong các đợt kỷ niệm 30, 40 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, lần này lại được diễn trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện vẫn không khỏi xúc động trước những tình cảm trân quý mà bà con nhân dân Hoài Ân - mảnh đất có nhiều nghệ sĩ bài chòi nổi danh - dành cho anh em nghệ sĩ. Chúng tôi phải ráng diễn cho hay để đáp lại sự ủng hộ nồng nhiệt của bà con nhân dân”.
Với những diễn viên trẻ trong Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả là nguồn động viên rất lớn để họ thêm gắn bó với nghề. Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Chí Cường thổ lộ: “Thấy khán giả chăm chú theo dõi vở diễn, trong lòng tôi vừa vui vừa xúc động. Chính sự quan tâm của khán giả dành cho nghệ thuật bài chòi là động lực để chúng tôi giữ “lửa nghề”, nỗ lực tập luyện nâng cao kỹ thuật biểu diễn để diễn tốt hơn các vai diễn mới”.
NSƯT Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, chia sẻ: “Hai vở diễn nói trên được chúng tôi dàn dựng mới vào cuối năm 2020. Đến đầu năm 2021, Đoàn có biểu diễn hai vở này và một số vở diễn khác phục vụ bà con tại một số địa phương trong tỉnh, nhưng sau đó do ảnh hưởng dịch bệnh phải tạm ngưng diễn. Dù vậy chúng tôi vẫn tập luyện trở lại thật nhuần nhuyễn để mang đến cho khán giả Hoài Ân những gì tốt nhất, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Ngay khi kết thúc đợt lưu diễn tại Hoài Ân, chúng tôi bắt tay vào tập luyện vở bài chòi Cô thần (tác giả kịch bản Văn Trọng Hùng, tác giả chuyển thể bài chòi NSƯT Nguyễn Tấn Hào) để chuẩn bị tham dự Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức vào giữa tháng 5 tới”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN