Dự án xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025:
Ban chỉ đạo Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng
(BĐ) – Ngày 22.4, Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành liên quan. Tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc làm việc.Tại điểm cầu tỉnh Bình Định, đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km đã đưa vào khai thác đầu năm 2022.
Theo Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành, đạt 100% công tác bồi thường. Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời; trong phạm vi mặt bằng đã bồi thường vẫn còn tồn tại, vướng mắc trên tổng chiều dài khoảng 2,6 km. Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 20.087,13 tỷ đồng/56.742,4 tỷ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long báo cáo tiến độ thực hiện GPMB ở tỉnh và có ý kiến kiến nghị tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: HẢI YẾN
Dự án qua địa phận tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 118,8km, đi qua địa phận 8 địa phương: TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Tổng diện tích đất dự án chiếm dụng cần thu hồi: 1.674,04ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng dự kiến bố trí tái định cư: 1.439 hộ. Số ngôi mộ cần di dời: 2.910 mộ. Trên cơ sở cung cấp của địa phương,chủ đầu tư đã khảo sát đánh giá, thống nhất lựa chọn 19 mỏ đất đắp, 15 nguồn vật liệu cát xây dựng, 18 nguồn vật liệu đá xây dựng và 23 bãi đổ thải. Hiện nay, chủ đầu tư mới bàn giao hồ sơ, cọc GPMB hiện trường cho các địa phương khoảng 19,34km/118,8km(tỷ lệ 16,28%).
Phát biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, Bình Định là địa phương có tuyến đường dự án đi qua dài nhất. UBND tỉnh xem dự án như của tỉnh và cố gắng hoàn thành đúng tiến độ.Hiện có 8/8 địa phương có dự án đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB và tái định cư; Hội đồng bồi thường, GPMB; đã lựa chọn đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính và phối hợp cùng chủ đầu tư, Sở GTVT để tiếp nhận cọc GPMB hiện trường khi được chủ đầu tư bàn giao; đã sơ bộ xác định số hộ bị ảnh hưởng và dự kiến các khu tái định cư, bãi thải, mỏ vật liệu; đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện triển khai lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu tái định cư, khu cải táng phù hợp với nhu cầu. Đối với các địa phương đã nhận bàn giao cọc mốc GPMB, đã thực hiện đo đạc, xuất hồ sơ kỹ thuật thửa đất; họp dân thông báo chủ trương; tiến hành kiểm kê số hộ bị ảnh hưởng, đạt 65%. Các địa phương thành lập tổ phản ứng nhanh kiểm tra, xử lý các vi phạm khi thực hiện GPMB dự án.
UBND tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường, GPMB và tái định cư phục vụ dự án; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền chỉ định thầu đối với gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư của dự án; chỉ đạo Chủ đầu tư tập trung bàn giao đầy đủ hồ sơ, cọc mốc GPMB bằng tại hiện trường, kể cả đường hoàn trả, đường gom, mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải... hoàn thành trước ngày 30.4.2022, sớm hoàn thiện hồ sơ các giải pháp thiết kế công trình thủy lợi, thoát lũ để địa phương triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá rất cao sự vào cuộc của các địa phương, thể hiện sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương cho công trình trọng điểm quốc gia này. Qua đó, mong muốn tiếp tục phát huy sự vào cuộc, đồng hành của toàn hệ thống chính trị. Phó Thủ tướng đánh giá, kết quả đạt được trong tháng vừa qua, cũng như tổng thể giai đoạn đang thực hiện tốt. Tuy nhiên, so với yêu cầu để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025 với gần 1.400 km, khối lượng công việc rất nhiều; do đó, đề nghị các địa phương phải đổi mới phương pháp, cách làm; các nhà thầu, ban quản lý dự án cũng phải đổi mới, huy động tối đa thiết bị, con người, tăng ca để thực hiện.
Với mục tiêu đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm cấp vật liệu xây dựng. Đối với giai đoạn 1, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu các ban quản lý dự án rà soát lại tiến độ công trình; rà soát thiết bị, con người thi công theo đúng năng lực các nhà thầu. Tư vấn, ban quản lý dự án, Bộ GTVT đặc biệt chú trọng đến chất lượng đường cao tốc; đưa chất lượng công trình lên hàng đầu.
Đối với giai đoạn 2, các địa phương tập trung triển khai công tác GPMB, kế hoạch sử dụng đất, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, triển khai xây dựng các khu tái định cư và tiếp tục nhận các mốc giới tiếp theo. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu Chính phủ đề ra, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ phục vụ thi công dự án.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương cần làm tốt việc quản lý mặt bằng, vận động, tuyên truyền nhân dân, giao nhiệm vụ cho toàn hệ thống chính trị, tránh tình trạng sau khi phóng tuyến, bàn giao mốc xong thì bắt đầu phát sinh các vấn đề như: xây dựng, trồng cây… trên đất. Các địa phương cũng cần hết sức chủ động phối hợp với tư vấn, ban quản lý các dự án và Bộ GTVT để xác định mỏ đất và bãi đổ thải.
HẢI YẾN