“Tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ
Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng luôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức sáng tạo. Từ đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ.
Những chứng nhân kể chuyện lịch sử
Từ năm 2019 đến nay, ông Hoàng Ngọc Á (SN 1950, ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, nay thuộc Ban CHQS huyện Hoài Ân) đều đặn tham gia các buổi sinh hoạt, nói chuyện truyền thống cùng thế hệ trẻ ở “địa chỉ đỏ” Núi Chéo do Huyện đoàn Hoài Ân tổ chức.
Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, ngày 15.4, bên cạnh lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, Huyện đoàn còn tổ chức buổi nói chuyện truyền thống do CCB Hoàng Ngọc Á trực tiếp truyền đạt. Từng tham chiến tại Núi Chéo trong chiến dịch Xuân Hè 1972 - 1975, nên mỗi câu chuyện, mỗi dẫn chứng lịch sử ông đưa ra luôn thu hút người nghe, bởi những chi tiết như vậy chỉ có người từng “vào sinh ra tử” như ông mới nắm rõ. Từng câu chuyện để lại dấu ấn đặc biệt với học sinh, ĐVTN.
CCB Hoàng Ngọc Á kể chuyện truyền thống với học sinh, ĐVTN tại Khu di tích lịch sử Núi Chéo (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân). Ảnh: C.H
Em Nguyễn Thị Phương Anh (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: “Qua buổi nói chuyện truyền thống với “nhân chứng sống” như bác Á, em càng hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của quê hương Ân Thạnh, cũng như những dữ kiện lịch sử của chiến dịch Xuân Hè và 1.000 ngày giữ đất của các thế hệ cha ông ngày trước”.
Ông Lê Văn Nốt (SN 1935, ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) là cựu thủy thủ của tàu không số 401, trực tiếp tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Tuy đã 87 tuổi, song hằng năm, ông vẫn tham gia các hoạt động giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt truyền thống với học sinh, thanh niên trên địa bàn.
Theo Bí thư Thị đoàn Hoài Nhơn Huỳnh Thị Bích Trang, với sự nghiệp cách mạng vẻ vang, mỗi câu chuyện lịch sử ông Nốt kể luôn thu hút sự theo dõi của học sinh, thanh niên. Không chỉ là người dẫn chuyện, ông Nốt còn là nhân chứng trong chính những câu chuyện đó, tạo lòng tin cho người nghe.
Góp sức giáo dục truyền thống
Nhằm “tiếp lửa” truyền thống cách mạng, yêu nước cho thế hệ trẻ, trong những năm qua, Đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, như: Hành trình vì biển đảo quê hương; hành trình theo bước chân những người anh hùng; ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách; hoạt động hướng đến các khu di tích cách mạng; chỉnh trang, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ…
Riêng năm 2021, 100% cơ sở Đoàn đã tổ chức đồng loạt lễ “Thắp nến tri ân” tại 105 nghĩa trang liệt sĩ và đài tưởng niệm trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức 300 hoạt động thăm hỏi, tặng 1.050 suất quà giúp đỡ gia đình chính sách, người có công trị giá trên 235 triệu đồng; vận động ĐVTN tham gia 2.100 ngày công dọn vệ sinh, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm; tu sửa, làm mới nhà cho các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; xây dựng công trình “vườn hoa thanh niên” tại các khu di tích cách mạng…
Song song đó, Đoàn các cấp còn tổ chức hơn 154 buổi sinh hoạt chính trị, 118 buổi tuyên truyền với nhiều hình thức như diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, hành trình đến với địa chỉ đỏ; 85 hoạt động văn hóa, TDTT, Hội thi các ca khúc cách mạng ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, liên hoan “Nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng”…
Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Cuộc thi viết “Tìm hiểu truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Bình Định giai đoạn 1930 - 2015”; tổ chức Hội thi kể chuyện “Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ” và chương trình nghệ thuật “Em là mầm non của Đảng”; hát Quốc ca tại “địa chỉ đỏ”…
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Hồng Hiệp, công tác chăm lo, phát triển ĐVTN vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Thời gian qua, các hoạt động giáo dục, định hướng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, thường xuyên, bám sát các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của tỉnh, của đất nước. Các hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện.
“Thông qua những chương trình, hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, mỗi ĐVTN nhận thức tốt hơn, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xung kích tình nguyện tham gia phát triển KT-XH, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh”, anh Hiệp chia sẻ.
CHƯƠNG HIẾU