SẢN XUẤT VỤ HÈ THU, VỤ MÙA NĂM 2022:
Chủ động, linh hoạt và kịp thời
Ngày 22.4, tại TP Quy Nhơn, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2022 các tỉnh, thành vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng chủ trì hội nghị.
Vụ Đông Xuân đảm bảo kế hoạch đề ra
Đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến nay sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX) 2021 - 2022 tại các tỉnh, thành vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) và Tây Nguyên về cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Diện tích lúa toàn vùng vụ ĐX ước đạt 327 nghìn ha, tăng 4.650 ha; năng suất ước đạt 63,19 tạ/ha, giảm 4,44 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 2 tỷ tấn, giảm 144 triệu tấn so với vụ ĐX 2020 - 2021. Nguyên nhân của sụt giảm về năng suất và sản lượng do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài từ đầu vụ gieo sạ và đợt mưa lũ trái mùa cuối tháng 3 đầu tháng 4.2022.
Quang cảnh hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ngày 22.4. Ảnh: T.D
Riêng Bình Định, vụ ĐX 2021 - 2022 chịu ảnh hưởng của thiên tai từ gieo sạ cho đến lúc thu hoạch. Trong quá trình sản xuất, nhiều diện tích lúa vụ ĐX xuất hiện rầy nâu. Nhờ chủ động các biện pháp nên ngành NN&PTNT tỉnh đã khoanh vùng và xử lý diện hẹp. Trong vụ ĐX này, Bình Định chịu ảnh hưởng lớn của đợt mưa trái mùa vào cuối tháng 3 đầu tháng 4.2022, thiệt hại 12.000 ha lúa đang trong thời gian thu hoạch, năng suất và sản lượng giảm. Tuy nhiên, đánh giá toàn cục, tình hình sản xuất vụ ĐX đạt kết quả khá tốt, năng suất lúa vụ ĐX đạt 69,7 tạ/ha; các cây trồng cạn phát triển tốt. Toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 620 ha trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, chuyển 1.300 ha diện tích trồng mỳ sang trồng đậu phụng, bắp, mè… tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, Bình Định đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất lúa giống tập trung với quy mô 2.000 ha, tăng thu nhập cho nông dân lên 1,3 lần.
Xây dựng kịch bản sản xuất vụ Hè Thu hợp lý
Để chủ động sản xuất, ngay từ cuối vụ ĐX, ngành NN&PTNT tỉnh triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu phù hợp. Tính toán từ việc tích nước hồ chứa, vụ Hè Thu năm nay, Bình Định tận dụng hết các diện tích sản xuất lúa và hoa màu để bù lại thiệt hại của vụ Đông Xuân. Dự kiến, toàn tỉnh sản xuất 41.800 ha, trong đó vụ Hè 5.300 ha, còn lại là vụ Thu. Với chân lúa vụ Hè đã gieo sạ xong, nông dân đang làm đất và bắt đầu gieo sạ lúa vụ Thu. Với đặc thù riêng, Bình Định triển khai lịch thời vụ linh hoạt phù hợp với địa phương. Ngành NN&PTNT triển khai kế hoạch sản xuất theo phương châm thu hoạch vụ ĐX đến đâu xuống giống vụ Hè Thu đến đó, dự kiến kết thúc gieo trồng trước ngày 25.5.2022; việc xuống giống theo lịch này để tránh đợt mưa cuối tháng 5, hạn chế việc mất giống.
Nông dân trong tỉnh thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Ảnh: T.D
Qua kiểm tra rà soát, các đơn vị sản xuất kinh doanh giống lúa có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh có khả năng cung ứng 2.000 tấn. Ngoài ra, các đơn vị ngoài tỉnh, các HTXNN, cơ sở kinh doanh, giống nông hộ đảm bảo cung ứng đủ lúa giống, dự báo không có tình trạng thiếu, khan hiếm lúa giống trong vụ Hè Thu 2022.
“Dự báo, vụ Hè Thu năm 2022 cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, với những thay đổi bất thường của thời tiết, tỉnh khuyến cáo các địa phương chủ động lịch thời vụ, đảm bảo kế hoạch gieo trồng; chọn các giống ngắn ngày có khả năng chống chịu và thích ứng với khô hạn. Thực hiện tốt các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết để cùng sản xuất 1 loại giống, áp dụng kỹ thuật canh tác SRI nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, Sở giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi kỹ các sâu bệnh hại để chủ động kế hoạch phòng trừ từ đầu vụ”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, khuyến cáo.
“Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh gặp nhiều trở ngại do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là đợt mưa bất thường cuối tháng 3 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và sản lượng cây trồng. Bình Định áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ lâu, nên ngay thời điểm thiên tai bất thường, lãnh đạo các cấp và các địa phương đã chủ động các giải pháp ứng phó. May mắn là những ngày sau đó, mưa giảm, thu hoạch thuận lợi, kéo giảm thiệt hại cho nông dân.
Trong giai đoạn tới, Bình Định tập trung đầu tư phát triển sản xuất trồng trọt, đặc biệt là trồng trọt công nghệ cao. Bên cạnh nguồn lực của tỉnh, Bình Định kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, nhất là sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ, xúc tiến các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là bảo quản, chế biến nông sản và phát triển các chuỗi liên kết để tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững. Hỗ trợ tỉnh trong việc thiết lập mã số vùng trồng; xây dựng hoàn thiện hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
THU DỊU