Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ xuất khẩu
(BĐ) - Chiều 22.4, tại TP Quy Nhơn, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước có 5.580 DN sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Đến nay, đã có hơn 1.000 DN chế biến gỗ, lâm sản được chứng nhận quản lý theo chuỗi hành trình sản phẩm theo hệ thống chứng nhận của các tổ chức FSC và PEFC quốc tế. Các DN chế biến gỗ tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ, chiếm trên 42% tổng số DN cả nước; khu vực Nam Trung bộ chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh khu vực phía Bắc nơi có các làng nghề truyền thống như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có thuận lợi về thị trường, tuy nhiên vùng nguyên liệu chế biến chưa đủ đáp ứng. Các địa phương phải quy hoạch được vùng nguyên liệu rừng trồng, tập trung nguồn lực phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; phải chú trọng công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, kiểm soát được chất lượng giống; đầu tư kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, lựa chọn nghiên cứu các giống cây gỗ lớn phù hợp; đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ người dân, chủ rừng chăm sóc rừng tốt hơn; đẩy mạnh chứng chỉ phát triển rừng bền vững.
THU DỊU