CẢNG THỊ NƯỚC MẶN:
Dấu mỏ neo xưa trên hải đồ quốc tế
Trong gần hai thế kỷ phồn thịnh, cảng thị Nước Mặn xưa là một trung tâm thương mại, kinh tế - văn hóa của Bình Định và cả Đàng Trong; xuất hiện trên nhiều hải đồ hàng hải quốc tế.
Từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nước Mặn là một cảng thị lớn, quan trọng và sầm uất ở Đàng Trong, ngang hàng với các cảng thị nổi tiếng khác như: Thanh Hà, Đà Nẵng, Hội An, Gia Định; không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa nội địa, tại Nước Mặn còn diễn ra nhiều hoạt động thương mại quốc tế.
Do nhiều biến đổi địa chất, luồng vào bị mất, vị trí cảng thị Nước Mặn xưa nay là khu dân cư đông đúc thuộc các thôn An Hòa, Lương Quang (xã Phước Quang); Kim Xuyên (xã Phước Hòa). Sau những lũy tre làng, xen những đồng lúa xanh ngắt là lớp lớp gò bãi mênh mông mang trong lòng dấu tích Nước Mặn xa xưa. Lần theo những địa danh, tìm hiểu cảnh quan, gặp gỡ những cụ cao tuổi ở thôn An Hòa - trung tâm vùng cảng thị xưa kia - chúng ta còn biết được ít nhiều để hình dung được bóng dáng của một cảng thị cổ giờ đã lụi tàn.
Dẫn tôi tham quan Chùa Bà (thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, xây dựng đầu thế kỷ XVIII và trùng tu nhiều lần), Chùa Ông (thờ Quan Công, tái lập năm 2019 trên nền ngôi chùa cũ, cách Chùa Bà vài trăm mét), cụ Huỳnh Thái Sơn - 81 tuổi, Chánh tế Chùa Bà, kể: “Dưới đáy hồ nước tại Chùa Bà người ta từng phát hiện vùi dưới bùn sâu có cái neo tàu biển cỡ lớn kèm nhiều đoạn dây chão to hơn cổ tay còn nguyên dấu buộc vào neo. Ở đây nhiều hộ dân khi đào móng nhà hoặc làm công trình vệ sinh thỉnh thoảng vẫn phát hiện nhiều mảnh gốm sứ cổ, dây neo bện bằng dây thừng và nhiều dấu tích chứng tỏ sự tồn tại của một thương cảng lớn”.
Chùa Bà - biểu tượng sự tiếp biến văn hóa của cảng thị Nước Mặn xưa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo lời cụ Sơn, ngày trước ở đây có nhiều cơ sở làm nghề thủ công (đồ gốm, dệt vải, sản xuất nước mắm, làm vàng mã…), có cả một đoạn phố thuốc Bắc. Ngay như gia đình cụ cũng có nghề gia truyền làm vàng mã, sản xuất tò he - một loại đồ chơi trẻ em, làm bằng đất sét nhồi tạo hình gà, chó, heo… khi thổi vào phát ra tiếng kêu vui tai. Những nghề ấy giờ gần như đã mai một, nhưng nhắc đến các tục danh như Gò Sành, Chợ Nước Mặn, Cầu Ngói… có thể hình dung thời thịnh vượng của đô thị Nước Mặn xưa.
Theo chỉ dẫn của cụ Sơn, tôi tìm đến nhà cụ Ngụy Thị Ba (81 tuổi, ở thôn An Hòa) để xem dấu tích bờ tường cổ. Nhà cụ Ba hiện còn một đoạn tường rào dài gần 7 m xây bằng chất liệu xưa vẫn đứng vững theo thời gian qua nhiều đời. Cụ Ba kể lại: “Hồi trước nhiều nhà quanh đây có các đoạn tường thành như thế này, cả dưới nền nhà cũng có lớp tường cứng như bê tông bây giờ, rất khó đập phá được. Lúc nhỏ tôi có hỏi cha mẹ, ông bà, nhưng họ cũng không biết những đoạn tường này xây từ khi nào, dùng để làm việc gì, họ cũng chỉ nói lại nghe ông bà trước đó nói nó như đập ngăn mặn xây thời cảng Nước Mặn còn sầm uất…”
Đoạn tường thành cổ còn lại trên đất nhà cụ Ngụy Thị Ba ở thôn An Hòa, xã Phước Quang. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, ngay từ thời Champa, Nước Mặn đã chiếm vị thế là một cảng lớn của vương quốc. Đến thời chúa Nguyễn, Nước Mặn phát triển thành một cảng thị lớn tấp nập thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á. Để có vị trí của một cảng thị thì không phải chỉ có cảng lớn, tàu vào nhiều mà còn phải vùng đô thị đủ mạnh để diễn ra những cuộc giao dịch liên vùng, hơn thế gần như bắt buộc - chúng phải có mặt trên các hải đồ quốc tế. Nước Mặn hội đủ toàn bộ những điều kiện ấy!
Không cần suy luận cũng có thể hình dung ra rằng, không phải tự nhiên mà Nước Mặn là nơi đầu tiên mà Tin Mừng đến với Việt Nam với cư sở đầu tiên của giáo đoàn các thừa sai Dòng Tên là Buzomi, Pina, Borri thuộc quốc tịch Ý, Bồ Đào Nha, bắt đầu truyền giáo ở Đàng Trong vào năm 1618. Như một mối nhân duyên tốt đẹp trong thời gian sống tại đây, Pina đã cùng với cha Borri nghiên cứu ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin với thanh điệu và lối phát âm của tiếng Việt. Và vì thế lịch sử đã ghi danh Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ.
Gần 400 trăm năm trôi qua, cảng thị lừng danh năm xưa giờ chỉ là những xóm làng bình dị, gò bãi vắng vẻ, nhưng những địa danh còn đó, dấu tích vẫn còn đó. Nếu bạn về Nước Mặn, sẽ có dịp check-in không chỉ những đền chùa, miếu mạo, những luồng vào giờ là những khúc sông vắng, bạn sẽ được đặt chân lên mảnh đất mà từ đó chữ Quốc ngữ ra đời, ngắm hàng sao trăm tuổi có thừa ở Tiểu chủng viện Làng Sông - nơi có 1 trong 3 nhà máy in đầu tiên ở Việt Nam… Có rất nhiều điều chờ bạn ở một nơi từng hiển thị với hình mỏ neo trên hải đồ quốc tế từ thế kỷ XVII.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN