Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24.4.1972 - 24.4.2022)
Bố trí lực lượng linh hoạt tiến công căn cứ 42-Tân Cảnh
Căn cứ 42-Tân Cảnh (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) là trung tâm chỉ huy, nơi tập trung lực lượng lớn của địch, được tổ chức phòng thủ kiên cố, bảo vệ bằng hàng chục lớp hàng rào thép gai, các loại mìn, nhiều lô cốt, hệ thống hầm ngầm, hệ thống vọng gác, chốt bảo vệ lớn, nhỏ...
Trong đó, những điểm chốt lớn vừa là vọng gác, vừa là nơi đặt pháo 12,8mm của địch, sẵn sàng nhả đạn khi phát hiện mục tiêu. Tháng 4.1972, ta đã chọn đây là mục tiêu chủ yếu và tập trung phần lớn lực lượng của Sư đoàn 2 (thiếu), Quân khu 5 tiến công tiêu diệt.
Trung đoàn 66, Mặt trận Tây Nguyên làm chủ căn cứ 42-Tân Cảnh (Kon Tum), tháng 4.1972. Ảnh tư liệu
Để giành thắng lợi, ta sử dụng và bố trí lực lượng rất linh hoạt, hình thành được thế trận bao vây tiến công liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc ngay từ đầu. Sư đoàn 2 đã sử dụng Trung đoàn 66 (được Mặt trận Tây Nguyên tăng cường) tiến công căn cứ 42; Trung đoàn 1 (thiếu) được tăng cường Tiểu đoàn Đặc công 10 đảm nhiệm tiến công căn cứ Đăk Tô 2; Trung đoàn 141 đảm nhiệm bao vây tiêu diệt địch ở quận lỵ Đăk Tô. Lực lượng pháo binh, cao xạ bố trí thành 3 cụm hỏa lực hỗn hợp trên 3 hướng tiến công để cùng pháo binh chiến dịch chế áp, chi viện kịp thời cho bộ binh, xe tăng chiến đấu.
Để hình thành thế bố trí tiến công căn cứ 42, Trung đoàn 66 đã sử dụng Tiểu đoàn 7 được tăng cường 6 xe tăng, 2 pháo tự hành 57mm, 3 khẩu ĐKZ 75mm, 2 khẩu cối 82mm, 3 súng phun lửa, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, triển khai từ phía đông đánh vào căn cứ. Tiểu đoàn 8 được tăng cường 3 xe tăng cùng pháo tự hành 57mm, tiến công hướng thứ yếu, bố trí đội hình từ phía tây bắc đánh vào căn cứ 42. Tiểu đoàn Đặc công 37 bố trí triển khai từ phía đông nam và tây nam đánh vào căn cứ 42. Tiểu đoàn 9 được tăng cường một đại đội đặc công, một tiểu đội công binh, bố trí triển khai trên hướng đông bắc để vây ép quân địch.
Xe tăng ta vận động tiến công vào Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972. Ảnh tư liệu
Ban đầu, Sư đoàn 2 lập thế bố trí lực lượng tiến công địch theo cách đánh “bóc vỏ”, nhưng sau khi nghiên cứu đã chuyển hóa sang thế trận tiến công vào mục tiêu chủ yếu ngay từ đầu, khi thời cơ đến, tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Tô-Tân Cảnh. Để tạo thế trực tiếp vào Đăk Tô-Tân Cảnh, ta đã thực hiện một loạt trận tập kích vào các vị trí vòng ngoài, kéo chủ lực địch ra để đánh tiêu hao, đưa pháo binh vào gần, phá hủy các công trình phòng ngự của địch, sử dụng lực lượng pháo cao xạ khống chế đường không, tích cực chia cắt địch; đồng thời bất ngờ triển khai tiến công đột phá từ hướng đông (hướng địch phòng ngự sơ hở do không thể ngờ tới). Với nghệ thuật lập thế bố trí, triển khai lực lượng như trên, Sư đoàn 2 và Trung đoàn 66 đã hình thành thế tiến công hoàn chỉnh, từ nhiều hướng tiến công vào căn cứ 42 Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2.
Việc quân ta lập thế bố trí lực lượng tiến công địch trong công sự vững chắc làm cho quân địch trong căn cứ hướng nào cũng bị tiến công, không có sự chi viện, ứng cứu từ bên ngoài và nhanh chóng bị tiêu diệt. Trận đánh diễn ra thần tốc, ác liệt. Sau 10 tiếng đồng hồ quyết chiến, quân ta đã đánh bại toàn bộ lực lượng hùng hậu tương đương một sư đoàn của địch, làm chủ căn cứ 42 vào trưa 24.4.1972.
Theo ĐÀO TẤN (Báo Quân đội nhân dân)