Làm gì khi con không còn thiết sống?
Trong mạch trao đổi về một số vấn đề liên quan đến bài đang dạy, chị H.X. - một gia sư ở Quy Nhơn, quyết định lấy ví dụ là vụ tự tử gần đây của một học sinh phổ thông tỉnh bạn. Ðể rồi, chính chị phải lạnh toát người khi cô học sinh cấp II của mình bình thản cho hay: Em và các bạn trong nhóm kín nói với nhau về việc tự tử gần như mỗi ngày.
Khi tự tử thành chủ đề hằng ngày
Cô học trò tiết lộ, mình đang tham gia vào một cộng đồng kín trên mạng, thành viên là học sinh phổ thông, sinh viên trên toàn thế giới, trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Mọi người làm quen, chia sẻ tâm tư, nỗi niềm và đề cập gần như mỗi ngày đến chuyện tự tử như là cách để giải thoát khỏi mọi khó khăn, rắc rối, nói nhiều đến mức tạo cảm giác như đó là chuyện bình thường.
Cô học trò ngoan hiền cho biết, bản thân đến giờ chưa từng nghĩ đến chuyện tự tử, do chưa gặp những khó khăn, bế tắc như các bạn trong cộng đồng. Mỗi khi nhận những dòng tin nhắn thở than, cô học trò đa cảm sẽ gọi điện thoại có hình ảnh (video call) hoặc nhắn tin chia sẻ, an ủi bạn. Dù vậy, sau đó vẫn có một số bạn không vượt qua, đã chọn cách “ra đi”. Cô học trò cho biết thêm rằng, cộng đồng này có khá nhiều học sinh sinh viên người Việt, nhưng cô không bao giờ nói chuyện với họ cả.
Sắp tới, nhiều học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; cha mẹ đừng tạo áp lực tâm lý quá lớn cho con (ảnh minh họa). Ảnh: PHAN TUẤN
Chị H.X. lo lắng suy đoán việc một số thành viên (có thể là người nước ngoài) nói đến những khái niệm, định nghĩa riêng về cuộc sống, không theo nhận thức thông thường của số đông. “Đang có không ít học sinh giỏi muốn tạo ra sự khác biệt, biết đâu lại vận vào mình những điều khác thường ấy”, chị H.X. trăn trở.
Sau chuyện của một cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tự vẫn, facebook Đặng Nhật Minh, hiện là nghiên cứu sinh ở Úc đã tỏ ra đồng cảm và tiết lộ bản thân đã “hàng tá lần” muốn tự vẫn vì áp lực học tập và kỳ vọng cao của bố mẹ. “Mỗi lần mình nhìn vào cặp sách là mình lại nản cho cuộc đời éo le không lối thoát khỏi việc học, cho nên tự giải thoát có lẽ là êm đẹp nhất”, facebooker đã viết như vậy.
Hãy bắt đầu trước khi quá muộn
Có những đứa con luôn tiệm cận với chuyện nghe - biết - suy nghĩ về việc tự tử như vậy (khác hẳn với vẻ bề ngoài hồn nhiên, vô lo) thì các bậc cha mẹ nên làm gì?
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, thực tế có những học sinh từng học rất giỏi nhưng bất ngờ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu vì những áp lực “quá sức chịu đựng” mà không biết nói cùng ai. Cô học trò của chị H.X. thổ lộ rằng, mình không thể chia sẻ việc này với ba mẹ vì “ba mẹ sẽ ngay lập tức gạt đi và nói con không nên biết đến chuyện này”. Thế nhưng, trên thực tế, có một hay nhiều hơn những cộng đồng như thế trên mạng xã hội mà mỗi ngày các em truy cập vào, nghe những điều đó, khiến cho những bạn vốn tâm lý không vững, không có lập trường sẽ dễ dàng tin đó là một điều bình thường. Biết đến hành động của bạn bè trên mạng từ trước, bất kỳ sự ức chế nào cũng đều có thể trở thành “giọt nước tràn ly”, các em cứ thế làm theo, không suy nghĩ quá nhiều.
Thạc sĩ tâm lý học Đào Thị Hồng (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) cho rằng, dù ba mẹ có tân tiến đến đâu, con cái sẽ có xu hướng ngại chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm, suy nghĩ riêng tư vì sợ “sẽ bị ba mẹ la mắng, phản đối hay làm ba mẹ lo lắng”.
Vậy nên, cha mẹ hãy dành thời gian ở bên cạnh con, học cách lắng nghe, hiểu, làm bạn cùng con - sớm chừng nào tốt chừng đó. Đặt kỳ vọng vào con, đề ra mục đích để con phấn đấu, trưởng thành là điều phổ biến hiện tại, nhưng các bậc làm cha mẹ hãy đồng thời dạy con cách chấp nhận thất bại, dũng cảm đối mặt với nó, nói ra sự thất bại của mình và cùng con vạch ra kế hoạch “lùi một bước tiến ba bước” để con không quá hẫng hụt, hoang mang với năng lực của bản thân mà rơi vào tình trạng tâm lý tệ hại, chẳng hạn như trầm cảm.
“Sắp tới, nhiều học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Từ thực tế những năm trước, sẽ có không ít kết quả gây thất vọng và rất đáng tiếc là trong một số trường hợp như vậy, trước khi các em bị sốc thì ba mẹ các em đã sốc rồi, tạo ra những áp lực tâm lý rất lớn đè lên các em, khiến một vài em không vượt qua được, rơi vào trầm cảm hoặc tự tử. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các bậc làm cha mẹ hãy tiết chế cảm xúc bản thân, chỉ bảo, định hướng nhưng đừng làm mất đi thế mạnh của con, nhất là những em có năng lực tốt”, bà Hồng tư vấn.
NGỌC TÚ