Tìm biểu trưng tỉnh Bình Định
Từ tháng 10.2013, UBND tỉnh đã có ý kiến đồng ý chủ trương thành lập Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Định. Sau nhiều tháng chuẩn bị, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức họp lấy ý kiến của các đơn vị về cuộc thi vào ngày 12.6 tới.
Theo định nghĩa của bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì biểu trưng hay logo là một yếu tố đồ họa (kí hiệu, chữ biểu thị, biểu tượng, hình tượng...) kết hợp với cách thức thể hiện nó tạo thành một nhãn hiệu hay thương hiệu, hình ảnh đại diện… Một số chuyên gia thì cho rằng biểu trưng phải đáp ứng yêu cầu đơn giản, dễ nhớ, nhưng cũng có những dấu hiệu đặc biệt gây ấn tượng thị giác mạnh, dễ phân biệt. Biểu trưng cần có ý nghĩa biểu thị được những nét đặc trưng cho sản phẩm hay các chủ đề liên quan. Như vậy, biểu trưng cho một tỉnh dù có những yêu cầu cao hơn, nhưng cũng phải dựa trên nền tảng yêu cầu chung của biểu trưng.
Còn nhớ cách đây hơn 7 năm, UBND tỉnh cũng đã lần đầu tiên cho phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, với yêu cầu biểu trưng phải có tính khái quát cao, biểu đạt đặc trưng điển hình về đất nước - con người, về kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa - lịch sử của Bình Định; đáp ứng chủ đề của Festival là “Hội tụ và Phát triển”. Sau hơn một năm phát động cuộc thi, chỉ có 47 tác phẩm của 16 tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia. Kết quả, tác phẩm đoạt giải cao nhất của tác giả Nguyễn Tín Trung (Tiền Giang) với mẫu biểu trưng thể hiện cách điệu trong nội tiếp hình tròn hình lá cờ hội là dáng rồng bay lên, bên trong là biểu tượng người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, biểu trưng này của họa sĩ Nguyễn Tín Trung đã được chỉnh sửa lại theo yêu cầu của Ban tổ chức (trong thể lệ cuộc thi cho phép điều này) là thay thế biểu tượng âm dương lưỡng nghi bên trong lá cờ đào (ý tưởng ban đầu của tác giả) bằng biểu tượng Hoàng đế Quang Trung theo mẫu tượng đài ở Công viên Quang Trung (TP Quy Nhơn).
Sau Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, biểu trưng của tác giả Nguyễn Tín Trung đã “mất hút” dù có thể điều chỉnh để sử dụng một cách phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng biểu trưng “dùng một lần” như vậy quả thật lãng phí… Mong rằng, Cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Bình Định sẽ có được những định hướng đúng, tổ chức phát động tốt để thu hút được nhiều tác giả có tài năng và tâm huyết tham gia. Từ đó, tìm được một biểu trưng tỉnh Bình Định có sức sống lâu dài và lan tỏa…
MAI THƯ