Cần tìm hiểu kỹ thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Việc quảng cáo các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng “tràn lan” trên webiste, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Cách quảng cáo các sản phẩm này ngày càng chuyên nghiệp; từ lời giới thiệu, hình ảnh đến video clip chia sẻ của những người đã sử dụng đều cho rằng đã “đạt hiệu quả cao hơn mong đợi”. Do đó, người bệnh trước khi muốn mua sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần phải tìm hiểu kỹ hơn, chứ không nên chỉ nghe theo lời quảng cáo.
Cần lưu ý thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) “không phải là thuốc chữa bệnh”, không phải bệnh nào TPBVSK cũng có tác dụng hỗ trợ phòng, chống... Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã làm rõ, xử phạt nhiều trường hợp quảng cáo không đúng sự thật, hay mạo danh, hình ảnh của những người, đơn vị trong ngành Y tế để gán ghép vào nội dung quảng cáo, hoặc thuê người “đóng vai bệnh nhân”. Kết quả là người mua TPBVSK ngoài việc sử dụng không hiệu quả, còn có nguy cơ “tiền mất tật mang” bởi có triệu chứng bệnh mà không sớm đến các cơ sở y tế để khám, điều trị.
Cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm “thổi phồng” sự thật. Ảnh: thanhnien.vn
Cách đây một năm, bà Thanh Hương (62 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) bắt đầu đau xương khớp bàn chân ngày càng nhiều. Được người quen giới thiệu trên facebok có quảng cáo về TPBVSK trị bệnh xương khớp rất hiệu quả, bà Hương vào trang facebook này xem thấy có nhiều hình ảnh, bình luận, clip của nhiều người “đã khỏi bệnh” chia sẻ... nên nhắn tin liên hệ qua facebook để hỏi mua. Sau đó, có người gọi điện thoại xưng là bác sĩ có kinh nghiệm, hỏi sơ lược về tình trạng của bà Hương rồi tư vấn không cần đến thăm khám, chỉ cần mua mấy hộp TPBVSK dạng viên uống 1 tháng là khỏi hẳn.
Ngày 29.3.2022, UBND tỉnh có văn bản 1598/UBND-VX chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện: Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo TPBVSK trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý các đơn vị phát hành quảng cáo cần chủ động, có trách nhiệm kiểm tra mẫu quảng cáo so với nội dung đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xác nhận và chỉ phát hành quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. Kiên quyết không nhận những mẫu quảng cáo chưa có dấu xác nhận của cơ quan chuyên môn đã thẩm định nội dung...
“Tôi tốn 2 triệu đồng mua sử dụng, thấy bàn chân không khỏi mà càng đau nhức thêm; gọi điện thoại phản ánh lại thì họ nói mấy câu đổ lý do này nọ rồi cúp máy... Sau đó, tôi phải đến BVĐK tỉnh khám, bác sĩ cho thuốc uống mới đỡ hẳn đau nhức bàn chân”, bà Hương kể.
Có những TPBVSK với thành phần chính là các dược liệu Đông y, nhưng quảng cáo quá mức về tính năng chữa trị bệnh, nhằm thu hút nhiều người sử dụng. Theo lương y Trần Đức Tiên, hội viên Hội Đông y TP Quy Nhơn, việc sử dụng các phương thuốc Đông y cần kết hợp với bắt mạch, chẩn đoán bệnh và tùy theo cơ địa của mỗi người thì mới hiệu quả.
“Người bệnh trước khi muốn mua sử dụng TPBVSK cần phải tìm hiểu kỹ hơn, chứ không nên chỉ nghe theo lời quảng cáo, giới thiệu từ người khác mà chưa có cơ sở kiểm chứng thực tế, nhất là việc tuân theo các quy định của Nhà nước”, lương y Tiên khuyên.
Hiện nay, các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo đã tương đối đầy đủ như Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, các nghị định hướng dẫn thi hành các luật này, cùng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, vẫn còn tồn tại rất nhiều những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo TPBVSK, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
Bộ Y tế đề nghị người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của TPBVSK, quảng cáo TPBVSK như thuốc chữa bệnh. Người dân chỉ mua TPBVSK khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua TPBVSK cần chú ý nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
HOÀI THU