TRUNG TÂM KHÁM PHÁ KHOA HỌC VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO:
Nhen tình yêu khoa học, tham gia phục vụ du lịch
Ngày 29.4, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (thuộc Sở KH&CN) sẽ khánh thành và chính thức hoạt động, tạo điều kiện để khoa học, giáo dục và du lịch tỉnh nhà phát triển.
Tổ hợp không gian khoa học đa mục tiêu
Nằm trong Khu Đô thị khoa học Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Trung tâm) được xem là điểm đến đầu tiên ở Việt Nam mà công chúng có thể trải nghiệm và khám phá khoa học.
Hoạt động trải nghiệm show khoa học tại Trung tâm. Ảnh: OANH TRANG
TS Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm có nhiệm vụ phát triển các nội dung khoa học và phổ biến khoa học đến công chúng thông qua các mô hình máy móc, trò chơi KHKT, tổ chức các lớp học STEM, phổ biến kiến thức về thiên văn học… Từ đó, khích lệ niềm đam mê, thúc đẩy khả năng nghiên cứu khoa học, đặc biệt dành cho trẻ em, học sinh và sinh viên.
Trung tâm có 7 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau, như: Hệ Mặt Trời, Khám phá vật chất, Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên, Khám phá không gian, Khám phá sao Hỏa, Chơi mà học, Vì sao lại thế; một phòng chiếu hình vũ trụ (79 ghế) với những đoạn phim trực quan sinh động về rất nhiều chủ đề khoa học. Công chúng nhiều lứa tuổi có thể đến đây tham quan, tương tác với các mô hình để có những trải nghiệm thú vị về các chủ đề khoa học, từ những thứ vô cùng nhỏ bé như vật chất, nguyên tử đến những thứ vô cùng lớn như vũ trụ, trái đất và các hành tinh, về sự sống của sinh vật, về thiên văn học và các ngành khoa học cơ bản. Chẳng hạn, ở phòng số 0 (hệ Mặt Trời), công chúng sẽ được tìm hiểu về lịch sử hình thành vũ trụ và các hành tinh trong hệ Mặt Trời, đồng thời có thể tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên xảy ra trên trái đất, quan sát bề mặt các hành tinh trong hệ Mặt Trời thông qua quả cầu mô phỏng hành tinh Omniglobe. Trong khi đó, phòng số 2 (Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên) có một sa bàn năng lượng tái tạo do các chuyên gia của Trung tâm thiết kế, mô phỏng các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, địa nhiệt, thủy điện…
Với chiều cao 6 m và đường kính 12 m, phòng chiếu hình vũ trụ thực hiện sứ mệnh phổ biến khoa học đến với công chúng. Đây là căn phòng được Trung tâm thực hiện với sự hợp tác của Bảo tàng khoa học Rennes (Pháp), du khách sẽ được xem những đoạn phim có nội dung trực quan sinh động về rất nhiều chủ đề khoa học.
Ông Dieter chuyên gia cấp cao, Công ty Sky Skan (đơn vị chuyển giao phòng chiếu hình vũ trụ), cho hay: “Công nghệ nhà chiếu hình vũ trụ của Trung tâm là hiện đại nhất trên thế giới, với hệ thống máy tính và phần mềm tốt nhất, mô phỏng nhiều nội dung về thiên văn, vũ trụ, thế giới tự nhiên, các hoạt động khám phá, phim hoạt hình... Các nội dung được lấy từ Đài thiên văn Nam Âu (ESO), Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), NASA (Mỹ) và các viện nghiên cứu lớn về thiên văn, vũ trụ”.
Trung tâm còn có Trạm quan sát thiên văn phổ thông (mái vòm có đường kính 8 m), cùng hệ kính thiên văn chính (đường kính 600 mm) và 6 kính thiên văn khác (đường kính 127 mm) đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động phổ biến khoa học…
Sẵn sàng 3 mục tiêu phát triển: “Khoa học, giáo dục và du lịch”
Để công trình đi vào vận hành hiệu quả, Trung tâm đã xây dựng nhiều chương trình hợp tác cùng một số đơn vị để phát triển các hoạt động khoa học, giáo dục và du lịch, như: Phối hợp cùng Trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên, Trung tâm STEAM ZONE (TP Hồ Chí Minh), Trung tâm vũ trụ Việt Nam - VNSC (Hà Nội) triển khai và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục khoa học; trong đó có chương trình tham quan trải nghiệm khoa học; các lớp học STEM để các em tự tìm hiểu và tạo ra những sản phẩm cho riêng mình cùng chương trình thiên văn cộng đồng.
Các mô hình khoa học do chuyên gia của Trung tâm chế tạo. Ảnh: OANH TRANG
TS Nguyễn Hữu Hà cho biết thêm: Thời điểm này, tuy chưa mở cửa chính thức, nhưng thời gian qua có khá nhiều du khách (trong đó có khách nước ngoài) đến Trung tâm tham quan thông qua các chuyến du lịch, hội nghị, hội thảo... Hiện nay, Trung tâm đang hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghiên cứu khoa học phù hợp theo từng lứa tuổi, nhu cầu và thời gian. Có thể kể đến như: Tham quan các phòng trưng bày; show khoa học (xem và có thể trải nghiệm cùng chuyên gia trình diễn những thí nghiệm khoa học); trò chơi trong nhà và ngoài trời (có liên quan đến khoa học, góp phần rèn luyện các kỹ năng). Đồng thời, nghiên cứu xúc tiến ký chương trình hợp tác với Sở Du lịch và các công ty lữ hành tổ chức tour tham quan ưu tiên và cố định đến Trung tâm. Thời gian tới, Trung tâm hứu hẹn là điểm sáng tham quan, học tập, nghiên cứu, khám phá khoa học của giới trẻ và người dân; thúc đẩy phát triển du lịch khoa học tại tỉnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương.
Trong chuyến thăm Trung tâm vào ngày 16.4, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao ý tưởng đề xuất xây dựng Trung tâm và cho rằng đây là bước đi mạnh dạn và tiên phong của tỉnh trong việc tạo môi trường khoa học tốt khích lệ niềm đam mê, thúc đẩy khả năng nghiên cứu khoa học, đặc biệt dành cho trẻ em, học sinh và sinh viên. Đồng thời, đồng chí mong muốn tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư trên lĩnh vực KH&CN, thông qua các Trung tâm như thế này để đưa KH&CN phát triển bền vững, hiệu quả và có tính lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
TRỌNG LỢI