Gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống
Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn có 5 làng (Kon Giang, Giọt 1, Giọt 2, Kon Mon, Xà Tang) với 432 hộ/1.560 nhân khẩu (hơn 90% là người Bana). Thời gian qua, dù chưa nhiều nhưng cả chính quyền và người dân ở đây cũng cố gắng giữ gìn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương.
Ông Đinh Ven, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết: “Cả xã còn vài gia đình giữ nghề dệt thổ cẩm, trong đó có hộ chị Đinh Thị Léo, Đinh Thị Bôi, Đinh Thị Ngói, Đinh Thị Diêm. Sản phẩm làm ra như trang phục, vỏ chăn, địu trẻ em hay túi xách chủ yếu được bà con sử dụng trong sinh hoạt, lễ hội. Trong điều kiện thị trường tiêu thụ hạn chế, xã tập trung tuyên truyền, vận động các chị, em cố gắng gìn giữ, truyền nghề cho con, cháu trong gia đình không để nghề mai một”.
Bà Đinh Thị Diêm ở làng Giọt 1 dệt thổ cẩm. Ảnh: AN
So với nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng có phần khá hơn. Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ 5/5 làng, mỗi làng một bộ cồng chiêng. Nhờ đó đến nay, làng nào cũng có một đội cồng chiêng - múa xoang. Trong số những người thạo đánh chiêng có không ít người trẻ tuổi, như: Anh Đinh Phúc, Đinh Rum (làng Giọt 1). Đây là “hạt nhân” xông xáo, tích cực truyền dạy cách đánh chiêng cho nhiều thanh thiếu niên trong làng. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ông Đinh Ngắt (làng Giọt 2) “linh hồn” cồng chiêng Bana ở Vĩnh An.
Tròn 35 năm lập nghiệp ở làng Giọt 2, ông Ngắt luôn được già làng, bà con mến mộ bởi lòng nhiệt huyết, đam mê “truyền lửa” cho thế hệ trẻ giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng. Vài năm qua, không ít hạt nhân của làng được chọn đưa vào đội cồng chiêng của xã tham gia các lễ hội văn hóa - thể thao của huyện và liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu sốcấp tỉnh, đạt nhiều giải cao. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của ông Ngắt trong việc phát triển sinh hoạt cồng chiêng ở địa phương.
Ông Đinh Ven cho biết thêm: “Để gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương, ngoài việc tổ chức Ngày hội VH&TT xã Vĩnh An (mở rộng) hằng năm, xã còn phối hợp với ngành văn hóa mở các lớp đào tạo nghề dệt vải thổ cẩm, đánh cồng chiêng… cho các bạn trẻ. Hiện nay, địa phương đang nghiên cứu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”.
AN NHIÊN