LHQ bỏ phiếu về cải cách quyền phủ quyết
Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu nghị quyết yêu cầu 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an phải nêu lý do mỗi khi họ áp dụng quyền phủ quyết.
Dự thảo nghị quyết được Liechtenstein đưa ra, nhằm buộc 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc phải "trả giá chính trị cao hơn" khi sử dụng quyền phủ quyết của mình, một đại sứ tại cơ quan này ngày 25.4 cho biết. 193 thành viên Đại hội đồng LHQ dự kiến bỏ phiếu về nghị quyết hôm nay.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp tại New York, Mỹ ngày 25.2. Ảnh: Reuters.
Giới chuyên gia đánh giá đề xuất cải cách quyền phủ quyết này "là một cải cách quy trình đơn giản". Tuy nhiên, chưa rõ đề xuất này có khiến 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an ít sử dụng quyền phủ quyết hơn hay không.
Đề xuất cải cách quyền phủ quyết lần đầu được đưa ra năm 2020, trong đó yêu cầu Đại hội đồng LHQ nhóm họp trong vòng 10 ngày làm việc sau khi một ủy viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết. Trong phiên họp, Đại hội đồng sẽ thảo luận về tình huống quyền phủ quyết được áp dụng.
Liechtenstein và khoảng 60 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, đồng bảo trợ cho nghị quyết cải cách quyền phủ quyết. Trung Quốc và Nga không tham gia bảo trợ cho đề xuất. Một nhà ngoại giao giấu tên của một trong hai quốc gia chỉ trích động thái này có thể gây chia rẽ LHQ hơn nữa.
Đại sứ Liechtenstein tại LHQ Christian Wenaweser khẳng định đề xuất cải cách quyền phủ quyết "sẽ tạo ra một quy trình mới", đồng thời khẳng định nó không nhằm vào Nga.
Đại sứ Wenaweser cho biết đề xuất nhằm "thúc đẩy vai trò của LHQ, chủ nghĩa đa phương và tiếng nói của tất cả chúng ta, những ai không có quyền phủ quyết và không thuộc Hội đồng Bảo an LHQ".
Nghị quyết cải cách quyền phủ quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc và không thể ngăn một ủy viên thường trực từ chối giải thích quyết định dùng quyền phủ quyết. Tuy nhiên, một đại sứ cho biết đề xuất sẽ làm sáng tỏ quy trình áp dụng quyền phủ quyết và những "điểm nghẽn" bên trong Hội đồng Bảo an.
Ngoài 5 ủy viên thường trực, Hội đồng Bảo an LHQ còn có 10 thành viên không thường trực với nhiệm kỳ hai năm và không có quyền phủ quyết. Trong số các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Nhật Bản và Đức bảo trợ cho đề xuất, trong khi Ấn Độ và Brazil không nằm trong danh sách này.
(Theo Nguyễn Tiến/VnE/Theo AFP)