Ôn thi tốt nghiệp THPT thế nào cho hiệu quả?
Học sinh lớp 12 đang ráo riết ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, diễn ra vào ngày 7 - 8.7 tới. Từ phân tích đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 mà Bộ GD&ÐT vừa công bố, các giáo viên trực tiếp đứng lớp đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Nhận định chung về 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và hai tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, các thầy cô giáo bộ môn cho rằng cơ bản vẫn ổn định về cấu trúc như đề thi năm học trước. Đề thi theo ma trận đã được xây dựng ở các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Tránh mất điểm ở những câu dễ, độ nhiễu rộng
Đề tham khảo môn Toán năm nay được nhiều giáo viên đánh giá cao về biểu đạt ngôn ngữ, cách cho dữ kiện, cách tiếp cận trong lời dẫn ở một số câu trắc nghiệm có sự đổi mới nhằm tăng độ nhiễu cho câu hỏi. Đề có tính phân hóa, nhưng dải phân hóa không rộng, phần kiến thức thi phủ khá đều kiến thức lớp 12 (90%), còn lại 10% thuộc chương trình toán lớp 11.
Năm học này vướng dịch Covid-19, thầy cô giáo khuyên học sinh chú ý ôn tập đúng trọng tâm, tránh ôn tập phần kiến thức giảm tải. Ảnh: M.HOÀNG
Thầy Huỳnh Duy Thủy, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin, Trường THPT chuyên Chu Văn An, chia sẻ: “Năm học này vướng dịch Covid-19 nên chương trình học có thay đổi, vì thế học sinh cần chú ý ôn tập đúng trọng tâm, tránh ôn tập phần kiến thức giảm tải. Chú ý, trang bị mẹo giải toán trắc nghiệm như: Tập dượt các loại suy trong trắc nghiệm, lưu tâm cách thử dựa theo đáp án… Tránh mất điểm ở những câu dễ, cũng tránh mắc bẫy những câu có độ nhiễu rộng”.
Ở môn Ngữ văn, đề tham khảo ở mức độ cơ bản, song vẫn đảm bảo cho sự phân hóa, kiểm tra được khả năng đọc- hiểu, cảm thụ tác phẩm văn học, khả năng diễn đạt và tạo lập văn bản của học sinh. Tuy nhiên, để đạt từ điểm 8 trở lên, cần làm tốt các phần vận dụng cao, các câu hỏi yêu cầu phân loại năng lực; học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, cách trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm và cảm xúc cá nhân một cách phù hợp, sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Hồng Khánh, giáo viên Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, khuyên: Quan trọng là học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản của tất cả tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 12 để có lợi thế xác định chính xác vị trí, bối cảnh, tình huống… của ngữ liệu ra trong đề thi. Riêng với văn nghị luận xã hội, các em cần nắm bắt tình hình xã hội, những vấn đề nóng mang tính thời sự... để dẫn chứng vào bài làm.
Hệ thống kiến thức trọng tâm theo sơ đồ tư duy
Nhiều giáo viên cho rằng trước hết học sinh cần phải phân chia quỹ thời gian còn lại của năm học thành từng giai đoạn để ôn tập. Ở mỗi giai đoạn, các em hướng đến một mục tiêu nhất định (dựa theo cấu trúc đề tham khảo), qua từng giai đoạn, mục tiêu cũng sẽ được nâng lên từng bước. Song song đó, học sinh cũng cần có kế hoạch vừa học tập trau dồi kiến thức mới nhằm lấp đầy những “lỗ hổng” do thời gian học bị ngắt quãng, học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là rà soát và bổ sung, dù chỉ là những đơn vị kiến thức nhỏ.
Đặc biệt, không học thuộc lòng kiểu học vẹt là cách mà nhiều giáo viên khuyên học sinh khi bước vào giai đoạn ôn tập nước rút. Đối với tổ hợp môn Khoa học xã hội, đề tham khảo của Bộ GD&ĐT cho thấy đảm bảo 70% câu hỏi dễ và trung bình để học sinh xét tốt nghiệp, tuy nhiên ở mức độ thông hiểu và vận dụng cao đã có độ nhiễu và tính phân hóa rõ nét hơn. Do đó, học sinh cần phải nắm được cấu trúc đề thi tham khảo để xác định những nội dung kiến thức cần ôn tập; giải đề càng nhiều càng tốt để quen các dạng câu hỏi.
Cô giáo Phạm Vũ Lộc, Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Chu Văn An, gợi ý: “Các em cần hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo sơ đồ tư duy, lưu ý những “từ khóa” để giúp phân biệt các nội dung kiến thức khác nhau, giúp dễ nhớ và nhớ lâu; học kỹ để nắm chắc các kiến thức cơ bản. Thời gian học của lớp 12 bị ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, do đó trong quá trình ôn tập, cần tăng cường trao đổi với bạn bè, thầy cô để giải đáp những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu”.
MAI HOÀNG