Ung thư vòm mũi họng - vài điều cần biết
Ung thư vòm mũi họng (còn gọi là ung thư vòm hầu) thường gặp nhất trong số các loại ung thư ở vùng đầu cổ, cũng là 1 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Đây là khối u ác tính xuất phát chủ yếu từ lớp tế bào biểu mô phủ của vòm mũi họng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 20-65. Nam hay mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân của ung thư vòm mũi họng vẫn chưa được biết rõ. Các yếu tố có liên quan là vi-rút Epstei Barr (EBV), yếu tố di truyền và môi trường. Hiện nay, người ý kiến cho rằng, 70% trường hợp mắc vòm mũi họng do yếu tố ngoại lai, 30% do yếu tố nội tại và di truyền.
Bệnh khó phát hiện sớm do triệu chứng không điển hình và tương đối giống với các bệnh lý tai mũi họng khác. Nếu xuất hiện một trong những triệu chứng: chảy máu mũi, nghẹt mũi, ù tai và nghe kém, nhức đầu, nổi hạch ở cổ, hội chứng nội sọ (như nhức đầu, tê bì mặt, mờ mắt, nhai nuốt khó khăn, khan giọng…) nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Các dấu hiệu sớm của bệnh thường nghèo nàn, bệnh nhân thường không để ý, ngay cả tại cơ sở y tế cũng bị nhầm lẫn và bỏ qua. Các dấu hiệu sớm thường là đau đầu và nghẹt mũi thoáng qua; hiếm khi chảy máu mũi, nếu có thường bị một bên; có thể có ù tai. Có thể xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, thường ở góc hàm, hạch nhỏ không đau và không ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Bệnh nhân càng phát hiện sớm thì kết quả điều trị càng cao. Giai đoạn I xạ trị đơn thuần, tỉ lệ sống thêm 5 năm có thể đạt 80-90%, giai đoạn II có thể đạt 60-70%, giai đoạn III chỉ 50%, giai đoạn IV 15-20%.
Hiện tại, BVĐK tỉnh đã áp dụng được tất cả các phương pháp điều trị ung thư vòm mũi họng. Đặc biệt, Bệnh viện đã được trang bị máy xạ trị gia tốc thẳng, điều trị hiệu quả với chi phí rất thấp. Việc theo dõi bệnh nhân sau điều trị rất quan trọng. Tái khám định kỳ sau khi kết thúc điều trị như sau: tái khám 1-3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 2-4 tháng/lần trong năm thứ 2, 4-6 tháng/lần trong năm 3-5, 6-12 tháng/lần sau 5 năm trở đi.
Để phòng bệnh nên thường xuyên tập thể thao, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu; hạn chế các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối; ăn nhiều rau, hoa quả có nhiều vitamin C, E. Điều trị sớm các viêm nhiễm ở đường mũi họng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng nên đến cơ sở chuyên khoa để khám loại trừ bệnh.
BS NGUYỄN MINH TRÍ