Vụ dầu loang trên biển Quy Nhơn:
Buộc người gây ra thiệt hại phải bồi thường dứt điểm
Ngày 7.7.2013 tại khu vực biển thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn đã xảy ra sự cố dầu loang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng gần một năm trôi qua, việc giải quyết, xử lý hậu quả vẫn “dậm chân tại chỗ” dù đã tìm ra thủ phạm.
Sau sự cố, Công an tỉnh và Công an TP Quy Nhơn đã điều tra làm rõ người gây ra là ông Tạ Văn Hùng, ở tổ 6, khu vực 4, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn. Trong quá trình lái ghe thuê chở xăng dầu trên biển, ông Hùng đã làm đổ dầu trên mặt nước, gây ô nhiễm nặng vùng nuôi tôm, cá lồng ở Hải Minh.
Theo thống kê của UBND TP Quy Nhơn, tổng thiệt hại do sự cố tràn dầu nói trên đã gây thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, dầu loang đã làm ảnh hưởng đến 80 hộ ngư dân Hải Minh nuôi cá lồng, thiệt hại gần 1,8 tỉ đồng; ngoài ra, kinh phí đã chi khắc phục sự cố dầu loang trên biển, bãi biển, như xử lý môi trường, thu gom, xử lý dầu vón cục tại bãi biển Quy Nhơn… gần 210 triệu đồng.
Đến đầu tháng 3.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp xử lý vi phạm nói trên.
Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử lý buộc ông Tạ Văn Hùng phải khắc phục hậu quả sự cố. Ngày 23.4, UBND phường Hải Cảng đã chủ trì cuộc họp tại Hải Minh (khu vực 9) để thỏa thuận mức bồi thường cho 80 hộ nuôi cá lồng biển bị thiệt hại. Ông Tạ Văn Hùng trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình ông hiện rất khó khăn và đưa ra mức bồi thường 1 triệu đồng/hộ. Các hộ ngư dân không chấp nhận vì mức bồi thường quá ít so với những thiệt hại của họ. Việc thương lượng bồi thường bất thành.
Đến ngày 29.5, UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 2156/UBND-NC về việc xử lý sự cố dầu loang gây thiệt hại các hộ nuôi thủy sản và ô nhiễm môi trường; một lần nữa giao Sở TM-MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và Công an TP Quy Nhơn buộc ông Tạ Văn Hùng phải đền bù thiệt hại cho các hộ ngư dân và các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố tràn dầu.
Bài, ảnh: PHI HÙNG
Nguồn dầu này mua ở đâu, ai là chủ mua, tàu nào bán, theo tôi biết nguồn dầu này mua từ các tàu ngoài biển, gọi là buôn lậu