Xây dựng đoàn kết, nghĩa tình với làng xa
Trong 3 năm thực hiện công tác kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị hành chính nhà nước và các DN đã có sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động bằng tình cảm và trách nhiệm, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, sẻ chia.
Hỗ trợ vật chất, tinh thần
Thời gian qua, các đơn vị, DN đã tặng hơn 25.000 suất quà (trung bình từ 300 - 500 nghìn đồng/suất) với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Một số cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn, làng; hỗ trợ cây, con giống phục vụ phát triển sản xuất cho đồng bào...
Tại làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty CP Cảng Thị Nại đã hỗ trợ xây dựng 2 nhà Đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo với mức 40 triệu đồng/hộ và hỗ trợ 13 con bò giống cho 13 hộ nghèo, cận nghèo với tổng trị giá 221 triệu đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty CP Cảng Thị Nại hỗ trợ xây dựng 2 nhà Đại đoàn kết, 13 con bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo ở làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: N.M
Chị Đinh Thị Tuyết, ở làng 6, một trong hai gia đình được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, chia sẻ: “Căn nhà sàn đã được cất xong nhờ vào sự hỗ trợ của tổ chức kết nghĩa với làng, sự giúp đỡ của người dân trong làng. Cả nhà 4 người chúng tôi rất vui, an tâm và hạnh phúc với căn nhà mới!”.
Sở Tài chính và Công ty CP Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định đã tặng 271 suất quà; 500 kg gạo; ti vi, quạt và cấp thuốc miễn phí cho bà con thôn O10, xã Đak Mang, huyện Hoài Ân. Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tổ chức khám, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho nhân dân làng Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh với tổng trị giá 132 triệu đồng.
Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, máy tính, máy in... cho làng M6, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Công ty CP Cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn và Phòng PA02 CA tỉnh đã lắp đặt 20 bóng đèn chiếu sáng, xây dựng nhà vệ sinh cộng đồng, trang bị vật dụng phục vụ nhà văn hóa và các vật phẩm thiết yếu cho làng kết nghĩa với tổng trị giá 195 triệu đồng. Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh và Công ty TNHH Nguyên liệu Giấy Quy Nhơn đã xây dựng, tặng nhân dân thôn 3 (xã An Toàn, huyện An Lão) một nhà rông diện tích 112 m2 trị giá 120 triệu đồng…
Nhiệm vụ chính trị lâu dài, nhân văn
Việc hỗ trợ, đóng góp của các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa đã góp phần gắn kết, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Đinh Mở, 81 tuổi, ở làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, bày tỏ: “Mối quan hệ giữa đồng bằng với miền núi luôn cần phải được vun vén, phát triển. Tôi rất vui vì hiện nay, các cơ quan, đơn vị, DN đã cùng nhau kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cứ mỗi dịp lễ, Tết, các đơn vị có chuyến thăm làng, tổ chức nhiều hoạt động cho thanh thiếu niên, nhân dân, nhân lên tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng đối với Đảng, Nhà nước”.
Đến cuối năm 2021, 112/116 đơn vị hành chính sự nghiệp và 104/119 DN đã thực hiện kết nghĩa với 115 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có 104 thôn, làng có đủ 2 đơn vị tham gia kết nghĩa và 11 thôn, làng chỉ có 1 đơn vị hành chính tham gia kết nghĩa. Có 4 thôn, làng chưa thực hiện kết nghĩa.
Trước việc một số DN không hợp tác theo sự phân công của UBND tỉnh, một số đơn vị hành chính sự nghiệp đã chủ động kêu gọi các đơn vị, DN khác cùng đồng hành trong công tác kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT) đã mời Công ty CP Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn; Phòng PV06 CA tỉnh đã mời Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh; Văn phòng UBND tỉnh đã mời Công ty CP Phú Tài tham gia kết nghĩa...
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị tích cực của công tác kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể cho các đơn vị, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương. Trong đó, các đơn vị được phân công kết nghĩa, nhất là người đứng đầu các đơn vị cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động kết nghĩa đảm bảo thiết thực, hiệu quả; xác định đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mặt khác, cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động theo chương trình đã ký kết và duy trì sinh hoạt định kỳ hằng năm theo kế hoạch.
Các đơn vị phân công kết nghĩa cần quan tâm phối hợp với địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, gắn kết giữa việc tuyên truyền, hướng dẫn KHKT trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm cây trồng, vật nuôi; giúp nhân dân đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa, xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, phong trào “Ba không về ANTT” ở tuyến núi; giữ mối liên hệ với thôn, làng, kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những mâu thuẫn, vấn đề phát sinh, phức tạp, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, phát sinh điểm nóng…
NGUYỄN MUỘI