Tác phẩm Hải Ông thi tập của Đoàn Nguyễn Tuấn
Bảo tàng Quang Trung hiện đang lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật thư tịch Hán Nôm của các tác gia thời Tây Sơn; trong đó, có tác phẩm Hải Ông thi tập (ảnh) của Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 -?), quê làng Hải Yên, huyện Quỳnh Côi (nay là làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ông vừa là anh vợ vừa là bạn thơ thân thiết của đại thi hào Nguyễn Du.
Đoàn Nguyễn Tuấn thi đỗ Hương cống (Cử nhân) thời Lê (vào khoảng đời Cảnh Hưng), nhưng không ra làm quan. Ông sớm cùng những người đồng chí hướng, như Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm tìm vào Nam xin theo phò giúp triều Tây Sơn; được cử giữ chức Hàn lâm trực học sĩ.
Tháng 9.1789, Đoàn Nguyễn Tuấn được giao nhiệm vụ đón tiếp sứ giả nhà Thanh sang phong vương cho vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Năm 1790, ông được vua Quang Trung cử vào sứ bộ của Giả vương Quang Trung, sang Trung Quốc triều kiến vua Càn Long nhà Thanh. Tài bang giao và tài thơ xướng họa của Đoàn Nguyễn Tuấn đã được danh sĩ nhà Thanh nể phục; khi về nước ông đã được thăng chức Tả thị lang bộ Lại, tước Hải Phái hầu. Khi vua Quang Trung mất, triều Tây Sơn bị gian thần lũng đoạn, ông cáo quan về quê.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long lập ra triều Nguyễn, nhiều người cùng thời ra làm quan, nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn ẩn cư nơi quê nhà trong “Phong nguyệt sào” (tổ gió trăng) là một cái chòi trong vườn hoa nhà mình, lấy hiệu là Sào Ông, ngâm vịnh thi ca để di dưỡng tinh thần. Ông chỉ để lại cho đời tác phẩm Hải Ông thi tập gồm 236 bài thơ, phú, ca, hành… viết ca ngợi chiến công hiển hách của quân đội Tây Sơn, vương triều Tây Sơn thịnh trị, đất nước thanh bình; cùng những bài tự thuật, tức cảnh ngẫu hứng, viết về thân phận người phụ nữ đương thời; ngoài ra còn có những bài thơ, văn ông viết khi đi sứ bang giao.
ĐOAN NGỌC