KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2022)
Bác Hồ & niềm khát vọng một Việt Nam thống nhất
“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai. Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như nghe thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Đó là nhận xét của nhà thơ Osip Emilyevich Mandelstam, một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của trường phái thơ Asmeist (Đỉnh cao) của Nga; khi đưa ra nhận xét này, khoảng tháng 12.1923, Mandelstam đang là phóng viên cho tờ báo Ngọn lửa nhỏ (Ogoniok). Đó là lần đầu Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên đất Nga, và khi đó Người chưa phải là lãnh tụ của một đảng cách mạng hay là nhà lãnh đạo của một đất nước.
Và ngay từ hồi còn trẻ, còn chưa mang tên Nguyễn Ái Quốc, cách thời điểm tháng 12.1923 ấy đúng 12 năm về trước, vào tháng 6.1911, Bác Hồ đã luôn nhớ về nơi mình cất bước xuống tàu Amiral Latouche Tréville sang Pháp. Đó là một ngày đầu mùa mưa Sài Gòn, và là thời điểm cách ngày 30.4.1975 - Ngày thống nhất đất nước, tới 64 năm.
Nếu vào tháng 12.1923, nhà thơ lớn Osip Mandelstam đã nhận ra từ anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc một “giọng nói trầm ấm khiến chúng ta như nghe thấy ngày mai, như nghe thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”, thì giọng nói ấy trong nửa thế kỷ đã vang lên trên nhiều vùng đất của địa cầu với những cung bậc cao nhất của lòng yêu nước, của tình yêu mênh mông với dân tộc Việt Nam của mình. Và ngày 30.4.1975, giọng nói ấy của Bác Hồ lại vang lên trong bài hát bất hủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, sau khi Bác mất đã gần 6 năm, ngày 2.9.1969. Bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”.
Dù Bác đã không còn tại thế để “đến từng nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” như trong một bài hát khác của nhạc sĩ Cao Việt Bách:
Từ thành phố này, Người đã ra đi/ Bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này, Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con/ Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn.
Dù như thế, tình yêu thương của Người với một nửa phần da thịt Việt Nam vẫn day dứt trong giai điệu của bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người.
Thống Nhất đất nước, cùng với Hòa Bình cho nhân dân Việt Nam, đó là khát mong lớn nhất của Bác Hồ. Bao lần Bác đã khóc khi đứng bên cây vú sữa trồng trong vườn Bác, tượng trưng cho miền Nam thương yêu còn bị cách ngăn bởi dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương 7 nhịp.
Năm 1946, tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Bác tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Nam Bộ sau này tượng trưng cho cả dải đất miền Nam Việt Nam.
Lời nói như “dao chém đá, rạ chém đất” ấy là lời nguyện ước của người đã rời bến Nhà Rồng Sài Gòn vào năm 21 tuổi, đã về Pắc Bó Cao Bằng vào mùa Xuân năm 1941, khi Người đã 51 tuổi, và sau 30 bôn ba khắp thế giới cũng chỉ vì ba cụm từ “Độc Lập- Tự Do - Hạnh Phúc” cho đất nước và nhân dân Việt Nam mình.
Cuộc đời tranh đấu cho Việt Nam thoát ách thực dân Pháp, kiên cường đối đầu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược của Bác Hồ vẫn còn nhiều khoảng trống mà cho tới bây giờ, nhiều nhà sử học, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, Việt Nam học trên thế giới vẫn tiếp tục phát hiện trong các công trình khoa học của mình. Biết bao gian khổ, cay đắng, nhiều lúc trên bờ vực nguy hiểm trong suốt 30 năm hoạt động ở nước ngoài của Bác Hồ, cũng chỉ vì bốn chữ “Thống Nhất - Hòa Bình” cho nước Việt Nam. Vì Nước, vì Dân, đó là lý tưởng chiến đấu của Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình.
Những ngày đầu tháng 5.1975 ở Sài Gòn, tôi không sao quên được những dòng người dân Sài Gòn vừa thoát khỏi chiến tranh ùa cả xuống đường, và những đoàn thanh niên diễu hành trên phố hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Chúng ta đã có một ngày 30.4 Thống Nhất đất nước, một ngày 30.4 Hòa Bình trở lại với toàn cõi Việt Nam. Đó là chiến thắng lớn nhất mà cả dân tộc này giành được sau 30 năm chiến tranh với chết chóc, khổ đau, mất mát chất cao như núi. Chưa ở đâu mà cái giá của Hòa Bình và Thống Nhất lại cao đến như vậy.
Có những điều do lịch sử để lại mà chúng ta luôn phải biết gìn giữ. Nhưng cũng có những điều mà chúng ta cần phải thay đổi, nhất là những điều người Việt cần thay đổi khi nhìn nhận về nhau. Vào ngày 30.4.1975, ngay tại dinh Độc Lập, tướng Việt Cộng Trần Văn Trà - một người đồng hương lẫm liệt của tôi-đã nói với tướng Dương Văn Minh khi ông đang là và sắp không còn là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa: “Người Việt Nam chúng ta không ai thắng ai thua trong cuộc chiến tranh này. Kẻ thua là Mỹ, và dân tộc chúng ta là một dân tộc phải được sống trong hòa bình và hòa hợp dân tộc”.
Bây giờ thì những người Mỹ tử tế đã là bạn của Việt Nam chúng ta, dù cuộc làm bạn này có chậm tới đâu và đau đớn tới đâu. Nhưng đã là bạn tốt của nhau thì sự chân thành luôn được đặt lên hàng đầu.
Đúng như sự chân thành mà vào năm 1945, Bác Hồ đã thể hiện qua những bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ. Tiếc là ngày ấy, sự chân thành chỉ đến từ một phía, phía Hồ Chí Minh, phía Việt Nam.
Bây giờ chắc chắn là phải khác.
THANH THẢO