Làm chủ đường 19, mạch máu của mặt trận Tây Nguyên
Với vị trí chiến lược quan trọng, giao thông giữa duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, tỉnh Bình Định, đặc biệt là đường 19, luôn là chiến trường phối hợp của mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, nhất là 2 chiến dịch Xuân 1972 và Xuân 1975.
CHIẾN DỊCH XUÂN 1972
Đường 19 là con đường chiến lược, mạch máu chủ yếu nuôi lực lượng địch ở Bắc Tây Nguyên. Năm 1972, để bảo vệ đoạn đường quan trọng này, ngoài Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên, chế độ Mỹ - Ngụy còn có nhiều đại đội bảo an, trung đội dân vệ và ba trận địa pháo 105 mm, 155 mm ở An Khê, An Xuân, Bình Tân…
Chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1972 theo chỉ đạo của Quân khu 5 và Sư đoàn 3 Sao Vàng, Trung đoàn 12 sẽ tổ chức một cụm chốt chiến dịch ở phía Đông đèo An Khê, cắt đứt đường 19 dài ngày, phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên, kìm hãm Sư đoàn Mãnh Hổ. Để trung đoàn yên tâm tập trung hẳn vào nhiệm vụ chiến đấu, Tỉnh ủy Bình Định vận động đồng bào các khu vực Nhơn Thọ, Lai Nghi, Bình Tường… cung cấp gạo, bắp, mì cho chiến sĩ.
Đông đảo nhân dân dự lễ mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định, ngày 15.5.1975. Ảnh tư liệu
Ngày 26.3.1972, mặt trận Tây Nguyên nổ súng thì đến ngày 11.4, hệ thống chốt của Trung đoàn 12 đã hình thành xong, cắt đứt hoàn toàn đường 19. Đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, gửi bức điện: “Cảm ơn các chiến sĩ Trung đoàn 12 đã anh dũng cắt đường số 19, tạo thuận lợi cho Tây Nguyên diệt địch…”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng điện vào khen ngợi Trung đoàn 12 “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn đầu cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung…”.
Chỉ với hai tiểu đoàn bộ binh, một đại đội hỏa lực mang vác, Trung đoàn 12 đã đánh chặn nguyên một sư đoàn thiện chiến Nam Triều Tiên có máy bay, xe tăng, trọng pháo yểm trợ. Trận chiến này có sức động rất lớn, nó bẻ gãy ý chí của “bầy hổ” và sau lần đụng độ này, Sư đoàn Mãnh Hổ án binh bất động cho đến ngày rút về nước.
CHIẾN DỊCH XUÂN 1975
Đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược và nhấn mạnh: “Cần đánh mở ra ở Buôn Mê Thuột và Tuy Hòa”. Phục vụ phương án lớn của Quân ủy Trung ương, Quân khu 5 tập trung mặt trận quan trọng: Đường số 19, đoạn An Khê - Bình Khê. Sư đoàn 3 Sao Vàng lại được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng quan trọng này của Quân khu, nằm trong thế trận của chiến dịch Tây Nguyên lịch sử.
Sư đoàn 3 được tăng cường Tiểu đoàn 19 công binh tỉnh Bình Định, Đại đội pháo cao xạ 37 của Quân khu. Nhiệm vụ của Sư đoàn là tiêu diệt hệ thống chốt địch nơi đây và thực hiện cắt đường dài ngày, tạo điều kiện tốt cho mặt trận chính Tây Nguyên diệt địch và hỗ trợ cho phong trào địa phương Bình Định.
Thanh niên huyện Vĩnh Thạnh gùi hàng phục vụ chiến trường năm 1972. Ảnh tư liệu
Cắt đứt đường chiến lược 19 là nhiệm vụ đầu tiên đặt ra với chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Bởi nó không chỉ là đường tiếp liệu, tiếp viện chủ yếu mà còn là đường rút lui nhanh nhất của địch xuống đồng bằng một khi Tây Nguyên thất thủ.
Để thực hiện nhiệm vụ, Sư đoàn 3 sử dụng cả 4 trung đoàn tiến công đồng loạt 37 chốt địch trên một tuyến dài 30 km hai bên đường 19, đoạn Đồng Phó - chốt Cây Rui, do Liên đoàn bảo an 927 và Trung đoàn 47 của Sư đoàn 22 đóng giữ. Đến đầu tháng 3, lực lượng địch ở đây tăng lên tới 8 tiểu đoàn bộ binh, 3 chi đoàn thiết giáp.
5 giờ 35 phút ngày 4.3.1975, tiếng súng đầu tiên trên đường 19 mở màn cho chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Khu 5. Cả khu vực rộng lớn Thượng Giang vang lên những tiếng nổ dồn dập và bùng lên những đám lửa, hàng loạt các cao điểm của địch ở Bắc và Nam đường 19: Chốt Cây Rui, Chóp Nón, Hòn Kiền, Cột Cờ, Truông Ổi, Che Chẻ, Đồi Đá, Lăng Mai Xuân Thưởng… bị ta tấn công.
Đến ngày 10.3, trước khi chiến dịch Tây Nguyên nổ súng, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47 và Liên đoàn bảo an 927, làm chủ đoạn đường chiến lược dài hàng chục cây số, thực hiện chia cắt chiến lược giữa Tây Nguyên với đồng bằng Khu 5, tạo điều kiện cho chiến dịch Tây Nguyên đại thắng.
Ngày 12.3, sau khi thông báo về chiến thắng Buôn Mê Thuột, Quân khu 5 lệnh cho Sư đoàn 3 siết chặt đường 19, không cho địch từ dưới thọc lên, từ trên tràn xuống. Quả nhiên, để mở đường thoát từ Tây Nguyên xuống đồng bằng ven biển, địch dốc toàn bộ Sư đoàn 22 vào đường 19. Nhưng ta đã bao vây tiến công tiêu diệt toàn bộ 3 tiểu đoàn địch từ Đồng Phó đến Bình Tường, diệt gọn cụm chốt Cây Rui… Khi nghe tin cụm quân Đồng Phó bị ta tiêu diệt, địch chốt Cây Rui và các chốt phía Tây hốt hoảng tan vỡ, băng rừng tháo chạy. Nhận định tình hình thuận lợi, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điện lệnh Sư đoàn 3 dùng một trung đoàn giải phóng An Khê, phần còn lại nhanh chóng dồn về phía Đông chặn đánh Sư đoàn 22 ngụy để giải phóng Quy Nhơn, giải phóng Bình Định…
Phối hợp cùng Sư đoàn 3, Bộ chỉ huy Mặt trận Bình Định đã ra lệnh tiến công và nổi dậy đồng loạt trong toàn tỉnh. Phía Bắc tỉnh, Trung đoàn 92 cùng Huyện đội Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ tiến công tiêu diệt các chốt điểm, cắt giao thông, khống chế quốc lộ 1, cô lập Trung đoàn 41 địch ở Trà Quang, Phù Mỹ. Trung đoàn 93, các đơn vị đặc công, các Huyện đội Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước… tiến công địch từ Đông Bình Khê đến Gò Bồi, tiêu diệt hệ thống phòng ngự của địch ở Bắc thị xã Quy Nhơn. Ngày 31.3.1975, Trung đoàn 93, Tiểu đoàn 50… tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn.
Việc Sư đoàn 3 Sao Vàng cắt đứt con đường chiến lược 19 làm cho địch ở Tây Nguyên thêm khốn đốn, hút toàn bộ lực lượng Sư đoàn 22 của địch vào trận địa đường 19, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng địa phương Bình Định tiến công, thọc sâu vào giải phóng Quy Nhơn. Ngược lại, các mũi vu hồi của lực lượng vũ trang tỉnh ở phía Đông cùng việc giải phóng thị xã Quy Nhơn tạo điều kiện thuận lợi để Sư đoàn 3 nhanh chóng đánh tan cụm phòng thủ cuối cùng của Sư đoàn 22 ở Lai Nghi.
* * *
Trong kháng chiến chống Mỹ, quân dân Bình Định luôn được sự phối hợp, hỗ trợ đắc lực của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đặc biệt, mối quan hệ của Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân dân Bình Định là sự gắn kết máu thịt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mối quan hệ đó đã và sẽ trường tồn cùng lịch sử, trở thành bài học trong sáng cho mọi thế hệ về tình đoàn kết quân - dân.
NGUYỄN THANH QUANG