Mãi vang khúc ca khải hoàn
Cách đây 47 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Ngày 30.4.1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi; đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập.
Ngày 14.4.1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các LLVT trên chiến trường, trong đó có quân và dân TP Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch có nội dung: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tin chiến dịch được mang tên Người đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.
Người dân xuống đường chào đón quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu
Cũng trong ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam. Thực hiện chiến lược đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố.
Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu. Trong đó, có 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.
Sau khi thông qua lần cuối kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm: Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công trên các hướng, không để chậm. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 26.4.1975, sau khi chọc thủng tuyến phòng xa của quân đội Mỹ, năm cánh quân của quân đội ta gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 cùng với binh khí đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế trận bao vây Sài Gòn. 17 giờ cùng ngày, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn.
Đêm 28.4.1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho Quân khu 8 và Quân khu 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ. 5 giờ sáng ngày 29.4.1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như “Chậm trễ là có tội với lịch sử”, “Thời cơ là mệnh lệnh” của Bộ Chính trị được nêu lên. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch. Cả nước hướng về Sài Gòn - Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, tay áo, trên báng súng, nòng pháo, thành xe đều ghi lời hịch của Bác Hồ “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Sáng sớm ngày 30.4.1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn và nhanh chóng chiếm được Bộ Tư lệnh không quân, Bộ Tư lệnh sư đoàn dù của địch, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn - Dinh Độc Lập.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!
* * *
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp để mỗi chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trên dưới một lòng, triệu người như một
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong tâm thức của Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Thọ (73 tuổi, hiện đang sinh sống ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc mừng ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất.
Nay dù tuổi đã cao, sức khỏe kém nhưng khi nghe nhắc lại chiến dịch Hồ Chí Minh, ông như trẻ lại. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ông Thọ tham gia Đội biệt động thành đánh trận đột phá chiếm TX Buôn Ma Thuột. Mặc dù quân địch ngoan cố chống trả quyết liệt, nhưng với sự anh dũng, mưu trí, đơn vị của ông đã giành thắng lợi.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến chiến thắng lịch sử 30.4.1975, ông Thọ cho rằng, đó chính là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân và các LLVT đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH và vì quyền con người. Từ đó, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một.
NGUYỄN HÂN