Reo vui những lời ca thống nhất
Họ là những ca sĩ, nhạc sĩ hạt nhân xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ của Bình Định trong những năm đầu sau Giải phóng 1975. Họ đã góp cho đời thêm tiếng nhạc, những lời ca reo vui về hòa bình, về lao động kiến thiết, lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống. Mỗi dịp 30.4, cảm xúc của những ngày đầu thống nhất đất nước lại ùa về, làm sống lại trong họ bao ký ức thân thương.
1. Nhắc nhớ lại những ngày đầu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhạc sĩ Lý Anh Võ - một trong những hạt nhân nòng cốt tham gia gây dựng phong trào văn nghệ Bình Định lúc bấy giờ - nở nụ cười hiền chia sẻ: “Những ngày đầu sau giải phóng, không khí hoạt động văn nghệ rất sôi nổi, nó như một sự trợ lực tinh thần cho những con người đang dựng xây, kiến thiết đất nước. Ngày ấy, phong trào văn nghệ quần chúng được quan tâm. Tôi tham gia sáng tác và thể hiện nhiều ca khúc của các nhạc sĩ thời bấy giờ”.
Nhạc sĩ Hữu Thuần (thứ hai từ phải sang), Lý Anh Võ (thứ hai từ trái sang) đã có nhiều đóng góp trong việc truyền dạy các em học sinh có năng khiếu âm nhạc ở Quy Nhơn sau ngày giải phóng.
Như trỗi dậy bao ký ức, ông cất lời hát nhiều bài hát về tình yêu, về quê hương, về vẻ đẹp lao động của những con người chân chất, mộc mạc trên công trường xây dựng. Chúng tôi say mê lắng nghe khi ông hát bài Bàn tay người thợ xây của nhạc sĩ Châu Đức Khánh… Gặp người thợ xây giữa con đường quen thuộc/ Giữa con đường tan trường em đi qua/ Người thợ xây thân người nồng mùi gạch/ Trong tâm hồn trong sạch, sạch trong như bầu trời/ Người thợ xây có đôi bàn tay khỏe/ Như tuổi em còn trẻ, như đời không mây che…
2. Với nhạc sĩ Thế Tuyên, những năm đầu sau giải phóng là khoảng thời gian khó phai mờ trong ông. Thế Tuyên quê gốc ở Thái Bình, sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Từ khi còn là học sinh, Thế Tuyên đã tham gia phong trào Du ca Việt Nam ở Bình Định. Từ đó, ông được tiếp xúc với những bậc đàn anh hoạt động khá sôi nổi trong phong trào Du ca tại Bình Định như Nguyễn Hữu Thuần, Tăng Tri… Năm 1976, ông chính thức được nhận vào làm việc tại Ty Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, từ ấy gắn chặt với các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng.
Nhạc sĩ Thế Tuyên, một trong những hạt nhân nòng cốt phong trào văn hóa, văn nghệ sau 1975 ở Quy Nhơn. Ảnh: NV
Theo nhạc sĩ Thế Tuyên, sau năm 1975, các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng diễn ra rất sôi nổi. Ở Quy Nhơn thời điểm ấy có rất nhiều đội văn nghệ phường nổi bật như: Lê Hồng Phong mạnh về ca, Trần Hưng Đạo mạnh về múa với dàn diễn viên nữ xinh đẹp, Lê Lợi mạnh về dân ca bài chòi… Ở huyện An Nhơn có đội văn nghệ thị trấn Bình Định với tốp ca nam nổi tiếng. Ở Tuy Phước có đội văn nghệ xã Phước Lộc với dàn diễn viên đa năng vừa ca, vừa kịch, vừa hát cải lương…
“Những ngày ấy, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp và được bà con yêu thích. Tôi cùng các nghệ sĩ như Hữu Thuần, Châu Đức Khánh, Lý Anh Võ, Nguyệt Ánh, Lan Phương… hoạt động rất tích cực, phục vụ nhiều chương trình văn nghệ của tỉnh nhà”, nhạc sĩ hồi tưởng. Thế Tuyên hòa vào cuộc sống, bắt rễ cảm xúc và mau chóng tìm thấy ý tưởng để triển khai ca khúc sao cho vừa cất lên được tiếng nói của tập thể vừa tạo sự đồng điệu cho người nghe. Thời gian này, ông có nhiều ca khúc tạo được sự lan tỏa và yêu thích như: Dưới cờ Tổ quốc huy hoàng, Trên công trường Hội Lộc, Hát về anh - Người thợ cầu đường...
3. Với nhạc sĩ Hữu Thuần, ký ức về một thời nhiệt huyết, thanh tân sau 1975 luôn được ông trân trọng lưu giữ. Ông kể, ngay hè năm 1976, Ty Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình đã mở lớp học về âm nhạc, hội họa đầu tiên cho học sinh ở Quy Nhơn tại Trường PTCS Lê Hồng Phong.
“Bên lớp nhạc có tôi và các thầy Nguyễn Văn Xứng, Vũ Phan Long, Châu Đức Khánh, thu hút nhiều học viên. Đến Trung thu năm 1976, hai anh Lê Nghĩa và Lý Anh Võ đã vận động các anh em cùng chung tay đóng góp để cho ra đời tập nhạc thiếu nhi đầu tiên của tỉnh, với nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trong tỉnh như Bùi Tuyên Đông, Châu Đức Khánh, Lý Anh Võ, Phan Long Nhơn, Đỗ Khoa Tân... Từ năm 1978, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Quy Nhơn (đường Nguyễn Huệ), Thị đoàn, Hội LHTN TX Quy Nhơn bắt đầu tổ chức chương trình Tuổi trẻ hát, diễn ra vào sáng Chủ nhật hằng tuần, do tôi và các nhạc sĩ Bùi Tuyên Đông, Lý Anh Võ đảm trách. Đó là những ngày thật vui và ắp đầy kỷ niệm”, nhạc sĩ Hữu Thuần tâm sự.
Khi gợi nhắc đến không khí văn nghệ sau năm 1975, nhạc sĩ Đào Minh Tâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Định (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) chia sẻ: “Ngày ấy, anh em nghệ sĩ hoạt động văn nghệ rất sôi nổi. Tôi cũng tự học cách chơi guitar và tham gia vào các hoạt động âm nhạc ở Tuy Phước. Đến năm 1977, tôi tham gia vào Đoàn ca múa nhân dân Nghĩa Bình, sau đổi tên thành Đoàn ca múa nhạc Chim Yến, là đoàn nghệ thuật có tiếng của khu vực miền Trung thuở bấy giờ. Ngày đó, chủ yếu tôi chơi guitar bass trong đoàn. Chúng tôi đi về nhiều địa phương biểu diễn cho bà con xem. Đến đâu cũng được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt”.
4. Gặp lại nhạc sĩ Chu Sỹ Phước, đồng thời cũng là một cựu binh từng có thời gian dài gắn bó với công tác thông tin, văn hóa văn nghệ của Bình Định, chúng tôi được nghe ông chia sẻ nhiều về những tháng năm sau ngày thống nhất đất nước. Ông vốn ở đoàn văn công Thái Bình, sau xung phong đi bộ đội. Năm 1975, ông công tác tại Đài thông tin VT7 Sơn Trà - Đà Nẵng, có nhiều dịp vào Quy Nhơn. Đến năm 1979, ông vào hẳn và bén duyên với Quy Nhơn khi làm Đài trưởng Đài thông tin viễn thông VT22, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 596, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc.
Nhạc sĩ Chu Sỹ Phước hồi tưởng về những tháng ngày tham gia phòng trào văn nghệ ở Quy Nhơn.
Nhạc sĩ Chu Sỹ Phước tâm sự: “Những ngày đó, hoạt động văn hóa văn nghệ rất sôi nổi. Niềm vui thống nhất và không khí xây dựng, kiến thiết cuộc sống đi vào nhiều sáng tác của các nhạc sĩ. Tôi cũng viết nhiều bài như Quy Nhơn cánh sóng tôi bay, Tình anh lính thông tin…. Gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Bình Định ngày càng đổi mới, phong trào văn nghệ cũng phát triển sôi nổi so với trước, nhưng tôi tin rằng ký ức về phong trào văn hóa văn nghệ những ngày đầu giải phóng luôn là một dấu ấn mà những người tham gia gầy dựng công tác văn hóa văn nghệ thời bấy giờ mãi lưu giữ và trân trọng”.
LINH PHONG