Thiêng liêng ngày đón các anh về
Sau 56 năm nằm dưới lòng đất lạnh, hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn đã được quy tập và tổ chức truy điệu, an táng trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân).
Dự lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng thân nhân các liệt sĩ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân đưa hài cốt các liệt sĩ về nơi an táng. Ảnh: H.P
Về phía tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các LLVT của tỉnh, huyện Hoài Ân và đông đảo nhân dân địa phương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương viếng các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn năm 1966. Ảnh: DOÃN CÔNG
Chiến công hiển hách
Ngày 15.3.1965, Trung đoàn 1 thuộc Quân khu Hữu Ngạn (tiền thân của Trung đoàn 22) được thành lập tại xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Ngày 2.9.1965, Sư đoàn 3 Sao Vàng (thuộc Quân khu V) được thành lập tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân). Trong đó, Trung đoàn 1 trở thành Trung đoàn 22 nằm trong biên chế của Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Giai đoạn 1965 - 1970, Trung đoàn 22 hoạt động ở chiến trường Bình Định và Quảng Ngãi. Trong những ngày chống Mỹ ác liệt nhất, Trung đoàn 22 đã có mặt trên nhiều điểm nóng ở chiến trường Bình Định. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 luôn kiên cường, tham gia những trận đánh cực kỳ ác liệt. Mỗi trận đánh là một chiến công oanh liệt, khiến quân thù bạt vía.
Các CCB Trung đoàn 22 thắp hương viếng đồng đội. Ảnh: H.P
Tiêu biểu nhất là trận tập kích cụm quân Mỹ đóng giữ tại đồi Xuân Sơn (Ân Hữu, Hoài Ân). Giữa lúc địch đinh ninh quân ta không còn cơ hội để tiến công, thì 1 giờ sáng ngày 26.12.1966, Trung đoàn 22 bất ngờ nổ súng. Một tiểu đoàn pháo binh và công binh Mỹ không kịp phản ứng dưới hỏa lực đánh gần và các tay súng bộ binh của ta. Trận đánh áp đảo, kết thúc nhanh gọn.
Theo đại tá Nguyễn Thanh Lịch (nguyên Trung đội phó thông tin thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22; hiện là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Bình Định), đó là một chiến công đặc biệt xuất sắc. Quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên địch, bắn rơi 5 trực thăng, phá hủy 11 khẩu pháo, thu 34 súng. Trên đường rút quân, ta còn diệt thêm 120 tên địch, bắn rơi 1 trực thăng.
“Tuy nhiên, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh và nằm lại đồi Xuân Sơn, gắn với chiến công hiển hách của Trung đoàn 22 lần đầu tiên đánh và tiêu diệt trận địa pháo của Mỹ”, CCB Nguyễn Thanh Lịch bùi ngùi nhớ lại.
Gian nan, cơ duyên và niềm vui vỡ òa
Suốt nhiều năm qua, đã có một hành trình đặc biệt tìm hài cốt bộ đội ta hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn vào cuối tháng 12.1966. Cuối năm 2018, Bộ CHQS tỉnh tiến hành thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng sống và tổ chức khảo sát, tìm kiếm rất nhiều lần, nhưng do địa hình rộng lớn, địa vật thay đổi nhiều và tác động của nước lũ nên vẫn chưa phát hiện được dấu vết gì.
Đến tháng 1.2022, Bộ CHQS tỉnh nhận được thông tin quý giá từ CCB Đặng Hà Thụy (79 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5501, hiện ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) cung cấp về vị trí hố chôn tập thể liệt sĩ của quân ta ở đồi Xuân Sơn. Từ những thông tin đó, ngày 10.3, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với địa phương huy động lực lượng và phương tiện tổ chức tìm kiếm, khai quật.
Mang trách nhiệm với người nằm xuống, các lực lượng đã vượt qua mọi khó khăn, tích cực làm việc. Đến ngày thứ 2 tìm kiếm, những di vật, sinh phẩm của các liệt sĩ đã được tìm thấy trong niềm xúc động nghẹn ngào. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy cũng liên tục lên hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS).
Trò chuyện với các lực lượng quy tập, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dặn dò: “Hành trình tìm kiếm HCLS dù có gian khổ, có dãi nắng dầm mưa là chuyện rất bình thường, quan trọng hơn hết là tìm được liệt sĩ. Vì vậy, các lực lượng phải quy tập kỹ lưỡng, thận trọng, chu đáo; không chủ quan, nóng vội và tìm được càng nhiều HCLS càng tốt. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, không chỉ là sự tri ân mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Từ ngày 10.3 - 15.4, Đội quy tập đã tìm kiếm, khai quật trên diện tích hơn 1.200 m2, phát hiện và cất bốc rất nhiều sinh phẩm như răng, xương, cùng nhiều di vật như võng dù, dây thắt lưng, dép cao su, túi đựng gạo, lược chải tóc... Qua các nhân chứng và các mẫu sinh phẩm, di vật đã xác định đây chính là hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn. Do nhiều yếu tố lịch sử chiến tranh, đến nay bước đầu mới chỉ xác định được danh tính 60 liệt sĩ”.
Tri ân các anh hùng liệt sĩ
Sau 56 năm đằng đẵng, kết quả tìm kiếm mang lại niềm vui mừng khôn xiết. Ngày 17.4, tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng các HCLS.
Trong không khí trang nghiêm và thành kính, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã đọc điếu văn, nêu rõ: “Sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 và quân, dân, chính đảng địa phương tại trận đánh ở đồi Xuân Sơn là một tổn thất vô cùng to lớn. Sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm thêm trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam”.
“Chúng ta, những thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau, xin nguyện tiếp tục sống xứng đáng và có trách nhiệm hơn nữa đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, nguyện đem hết tâm sức và trí tuệ làm cho mảnh đất Bình Định thân yêu này mãi mãi xanh tươi, ngày càng phát triển, tiếp nối con đường, mục tiêu, lý tưởng cao cả mà các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG
Thể hiện điếu văn, Chủ tịch UBND tỉnh trầm giọng vì xúc động: “Trong giờ phút thiêng liêng, ý nghĩa này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước hương linh của các anh hùng liệt sĩ và kính dâng nén hương thơm với tất cả lòng thành kính, tri ân, lòng biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú của mọi miền đất nước đã xả thân, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho nền độc lập, tự do và sự thống nhất của Tổ quốc thân yêu”.
Kính cẩn nghiêng mình trước hương linh của các anh, từng dòng người dâng nén tâm hương với tất cả thành kính, tri ân.
Viết vào sổ tang tại lễ truy điệu và an táng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo tỉnh đều bày tỏ lòng thương tiếc và thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nói riêng nguyện giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh.
Ngay sau lễ truy điệu, đại biểu cùng thân nhân liệt sĩ đã tham gia an táng hài cốt các liệt sĩ trong một ngôi mộ tập thể tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ. Tên tuổi các anh được khắc chung lên một tấm bia.
Xoa dịu nỗi đau
Tuy tuổi đời, cấp bậc, chức vụ mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 và quân, dân, chính đảng địa phương có khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là tinh thần trung dũng, kiên cường, hy sinh quên mình. Đã 56 năm trôi qua, hình hài, xương thịt của các anh đã hòa vào đất đá, cỏ cây, quyện vào lòng đất mẹ, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc, quê hương.
Chứng kiến lễ truy điệu và an táng HCLS hy sinh ở đồi Xuân Sơn, thân nhân các liệt sĩ không cầm được nước mắt. Ngay sau khi nhận được thông tin, bà Võ Thị Tịnh (83 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa - vợ liệt sĩ Đỗ Ngọc Đương) lập tức lên đường vào Bình Định trong niềm vui khôn xiết.
Bà Tịnh kể, năm 1962, chồng nhận nhiệm vụ lên đường vào miền Nam chiến đấu. Mấy năm sau đó, ông có đôi lần về quê thăm nhà rồi chia tay vào lại đơn vị. Đến năm 1966 thì gia đình mất liên lạc và năm 1970 nhận được giấy báo tử. Mấy chục năm qua, gia đình tìm mọi cách tìm kiếm nhưng vô vọng.
“Được đoàn tụ dù là muộn màng nhưng gia đình tôi vui mừng đến nghẹn ngào. Vậy là chúng tôi đã toại nguyện sau những tháng năm đằng đẵng tìm kiếm, mong ngóng. Đúng là trời không phụ lòng người!”, bà Tịnh xúc động nói.
Chị Lê Thị Thanh Vân - con dâu của liệt sĩ Lê Đức Ninh, xúc động trong vòng tay của các CCB Trung đoàn 22 tại lễ truy điệu và an táng. Ảnh: H.P
Ngày 19.4, chị Lê Thị Thanh Vân - con dâu của liệt sĩ Lê Đức Ninh (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22) đã mang hũ đất từ đồi Xuân Sơn về đến nhà ở TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Chị Vân, chia sẻ: “Hũ đất này thấm đẫm da thịt, xương máu của bố tôi, đã được gia đình trang trọng đặt trên bàn thờ để thờ phụng. Nhân đây, gia đình cũng bày tỏ sự cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bình Định đã nỗ lực quy tập và tổ chức lễ truy điệu, an táng chu đáo, trang trọng cho bố tôi cùng đồng đội. Tình cảm này gia đình rất trân trọng và không bao giờ quên”.
Với đội quy tập HCLS cùng các CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng, những cái siết tay, ôm chặt của người nhà đã tiếp sức cho họ trên hành trình tìm kiếm HCLS. “Mỗi lần tìm được một HCLS đưa họ về với gia đình, quê hương là tôi thấy xúc động như tìm được người thân của mình. Đây là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa, tìm được càng nhiều HCLS về đoàn tụ với gia đình, quê hương”, thiếu tá Phạm Thanh Tấn, Trưởng Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh), chia sẻ.
* * *
Tuổi mười tám, đôi mươi, tạm biệt quê hương, gia đình, các anh lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người chưa kịp có mái ấm riêng tư, chưa kịp có mối tình đầu, con chưa biết mặt cha... Ngày trở về, những chàng trai sức vóc “bẻ gãy sừng trâu” năm xưa chỉ còn là những phần di cốt nhẹ bẫng. Lúc ra đi, họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, khi trở về, hương hồn cũng nhẹ nhàng, thanh thản.
Bởi từ nay, các anh đã mãi mãi an yên trong lòng đất mẹ...
HỒNG PHÚC