Trung dũng, kiên cường, lập chiến công lịch sử
Đã ra quân là đánh thắng. Suốt gần 15 năm chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Đại đội đặc công Đ10 đã mưu trí, dũng cảm, vận dụng nhuần nhuyễn cách đánh của binh chủng đặc công để lập nên nhiều chiến công vang dội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ I (6.1960) về việc khẩn trương xây dựng LLVT tập trung, đẩy mạnh hoạt động vũ trang, hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, Đại đội đặc công Đ10 (thuộc Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định) được thành lập tháng 9.1960 tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân.
Những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”
Ngay sau khi thành lập, đêm 23.9.1960, Đại đội đặc công Đ10 đã phối hợp cùng Đơn vị 2.9 tập kích trụ sở xã Hoài Tân (Hoài Nhơn), giành thắng lợi bằng cách đánh đặc công (dùng võ thuật khống chế địch); một bộ phận đặc công Đ10 cũng tập kích vào đồn dân vệ xã Ân Nghĩa, diệt 3 tên, bắn bị thương 1 tên, thu 24 súng các loại… Đây là trận đầu ra quân và chiến thắng của Đại đội đặc công Đ10 trong kháng chiến chống Mỹ.
Đặc công Đ10 phối hợp cùng các đơn vị khác đánh sập Đài phát thanh Quy Nhơn và Ty chiêu hồi ngụy trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (VĂN LƯU chụp lại)
Với cách đánh của binh chủng đặc công, đánh tập kích, đánh “nở hoa trong lòng địch”, Đại đội đặc công Đ10 đã gây cho quân thù nhiều phen khiếp sợ. Trong trận đánh ngày 9.2.1963, Đại đội đặc công Đ10 phối hợp với một trung đội địa phương huyện Phù Mỹ tiến công vào Tổng đoàn dân vệ và đoàn xây dựng ấp chiến lược của địch ở Mỹ Thọ (Phù Mỹ). Đây là trận đánh diễn ra ở vùng sâu, khi ta tiếp cận bị lộ, địch ở lô cốt bắn ra như mưa, thế trận gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, chi ủy kêu gọi đảng viên, đoàn viên xông lên hoàn thành nhiệm vụ diệt địch; 23 chiến sĩ nhất loạt lao lên như những mũi tên. Đạp phải bàn chông sắt của địch, trong phút giây quyết định, đồng chí Nguyễn Kim mang cả bàn chông, ôm bộc phá lao vào dập tắt hỏa điểm, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Sau 30 phút chiến đấu, đơn vị đã diệt 65 tên, bắt 5 tên, thu 25 súng.
Hay như trận đánh đêm 10.2.1965, một tổ 3 chiến sĩ Đ10 kết hợp với cơ sở nội thị, cải trang hợp pháp, dùng xe xích lô chở thuốc nổ tiếp cận đánh sập khách sạn Việt Cường, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên cố vấn Mỹ. Trong hồi ký của tướng Oét-mo-len - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1964 - 1968), y đã thừa nhận: “Một vụ nổ đã phá hủy một khách sạn dùng làm cư xá cho quân Mỹ. Toàn bộ khách sạn đổ sập, giết chết 23 người, làm bị thương 21 người và những người khác bị kẹt trong đống đổ nát. Đây là số thương vong nhiều nhất của Mỹ xảy ra trong một sự kiện”.
Đó còn là các trận đánh hình thành một mảng giải phóng liên hoàn từ đầm Thị Nại qua Phước Thắng, Cát Chánh, Nhơn Mỹ, Bình Tân, Bình Thuận của ba huyện Tuy Phước, An Nhơn, Bình Khê. Cụ thể như: Tập kích chi khu quân sự Gò Bồi (Tuy Phước); đánh tiếp bọn địch đóng trong nhà thờ Đại Ân (Phù Cát); kết hợp với sự nổi dậy của đồng bào giải phóng các xã Phước Sơn, Phước Hậu (Tuy Phước), Cát Chánh, Cát Nhơn (Phù Cát) và Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An (An Nhơn), ép địch lên đường số 1; đồng thời tiến công địch ở Cẩm Văn, Đập Đá, giải phóng thêm các xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Lộc.
CCB Nguyễn Thanh Hải xem lại những hồi ức khi còn là lính thông tin Đại đội Đặc công Đ10.
Đến thăm nhà CCB Nguyễn Thanh Hải (nguyên cán bộ thông tin Đại đội đặc công Đ10, hiện ở KV9, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), có thể nhận ra dù ở tuổi 76, sức khỏe không còn như trước, nhưng đầu óc ông vẫn minh mẫn. Như đã biết ý định của chúng tôi, CCB Hải tác phong rất nhanh nhẹn từ trong phòng đi ra, tay cầm cuốn sổ nhật ký đặt xuống bàn và say sưa kể về một thời chiến đấu của mình. Mang theo sức trẻ, ông Hải nhập ngũ vào Đại đội Đặc công Đ10 tháng 4.1966. Theo ông Hải, nhiệm vụ làm lính thông tin thời đó rất gian truân, nguy hiểm, đạn pháo, biệt kích của địch bắn liên tục, gây sát thương. “Hai tháng sau nhập ngũ, tôi cùng đồng đội tham gia tập kích Tiểu đoàn Cộng hòa của địch càn quét, lấn chiếm các xã phía Bắc Phù Cát và Nam Phù Mỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng cách đánh phục kích, Đại đội đã diệt gọn Tiểu đoàn này của địch, đánh tan âm mưu càn quét, cũng như chiếm đóng núi Lường Cày (xã Cát Hanh) để khống chế hành lang Đông Tây ở khu vực này”, ông Hải nhớ lại.
Cùng với đó là trận tập kích quân địch ở ấp Tình Giang (Phước Hiệp) đêm 6.12.1967; tập kích quận lỵ Tuy Phước đêm 22.12.1967; đánh chiếm Đài phát thanh, Quân vụ TX Quy Nhơn vào cuối tháng 1.1968; tấn công các kho và đốt cháy hàng chục triệu lít xăng của địch vào cuối tháng 2.1969.
Đại đội đặc công Đ10 còn tham gia đợt 2 chiến dịch Xuân - Hè 1975, đóng góp quan trọng vào giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định ngày 31.3.1975.
Lập nhiều chiến công
Đi vào nơi hòn tên mũi đạn mà lòng cán bộ, chiến sĩ Đại đội đặc công Đ10 luôn thanh thản. Không ai nghĩ đến sự sống chết của bản thân, dồn hết tâm trí cho trận đánh thắng lợi. Minh chứng là trận chiến đấu kiên cường ở khu vực Đài phát thanh Quy Nhơn vào tết Mậu Thân 1968.
Các chiến sĩ đặc công Đ10 dũng cảm, ngoan cường đẩy lùi 4 đợt phản công của địch, tiêu diệt hàng chục tên, làm chủ Đài phát thanh 7 ngày liền (từ ngày 31.1 đến ngày 7.2.1968) và chiếm giữ một số nhà cao tầng ở khu 1, khu 2, chiến đấu đến người cuối cùng, và đã loại hàng trăm tên địch.
Trong trận đánh ác liệt, kiên cường này, đồng chí Biên Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Quy Nhơn và đồng chí Võ Mười - Tiểu đoàn trưởng đặc công liên ấp 3 trực tiếp chỉ huy mũi Đại đội Đ10 đã anh dũng hy sinh...
Nhìn tổng thể, trong gần 15 năm chiến đấu trên chiến trường Bình Định, Đại đội đặc công Đ10 đã tham gia hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 5.200 tên địch (trong đó tiêu diệt 4.987 tên, bị thương 245 tên); bắt sống trên 700 tên ngụy quân, ngụy quyền; đốt cháy 6 kho xăng, làm thiệt hại của địch gần 40 triệu lít xăng dầu; bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 50 máy bay khác, 6 khẩu pháo, thu gần 4.000 súng và phương tiện chiến tranh các loại, phá hủy hàng chục ấp chiến lược, giải phóng nhiều xã của các huyện trong tỉnh, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định vào ngày 31.3.1975.
Với nhiều chiến công suốt gần 15 năm chiến đấu, Đại đội đặc công Đ10 đã được Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng thưởng 20 huân chương chiến công giải phóng. Trong các kỳ đại hội thi đua, đơn vị luôn được biểu dương là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; nhận 1 cờ thưởng “Trung dũng, kiên cường tạo nên chiến công lịch sử”; 2 cờ đơn vị khá nhất; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen và danh hiệu dũng sĩ các hạng.
Để ghi nhận những chiến công anh dũng, tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 16.12.2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội đặc công Đ10 thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Định vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, Đại đội cũng có 3 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân là Nguyễn Kim, Võ Mười và Lâm Văn Tương.
XUÂN NHÂM