An Nhơn: Giữ dấu làng xưa trong phố nay
Từng là kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Champa, kinh thành Hoàng Đế dưới triều Tây Sơn của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, An Nhơn là một vùng trầm tích nhiều giá trị văn hóa. Từ mạch nguồn đó, An Nhơn đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 trên cơ sở định hướng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống hài hòa trong đô thị hiện đại.
Ngày 28.11.2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 101/NQ-CP về thành lập TX An Nhơn và các phường trực thuộc. Sau 10 năm “lên thị”, An Nhơn càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của một trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam tỉnh, là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn. Ngày 2.3.2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 219/QĐ-BXD công nhận TX An Nhơn là đô thị loại III. Trên đà phát triển, TX An Nhơn quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Tăng tốc lên thành phố
Để đạt được mục tiêu đó, ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, địa phương xác định đầu tư 6 xã (Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ và Nhơn Phong) trở thành phường; xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn phường Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hưng đồng bộ, theo hướng hiện đại, trở thành khu đô thị trung tâm của TP An Nhơn trong tương lai, nhằm tạo tiền đề cho đầu tư phát triển theo hướng đô thị loại II”.
Không gian đô thị TX An Nhơn hôm nay. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Cuối tháng 3.2022, tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (dài 9,4 km) được khởi công. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa TX An Nhơn và huyện Tuy Phước, khai thác tiềm năng quỹ đất dọc tuyến để tạo nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, TX An Nhơn và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự án mở rộng QL 1 đi qua phường Bình Định.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Nhơn, cho hay: “Trong quản lý đô thị, công tác quy hoạch được chúng tôi ưu tiên đầu tư, vì đó là tiền đề để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, phát triển cũng như cải tạo và chỉnh trang đô thị. Thị xã đang tập trung hoàn thành các quy hoạch phân khu còn lại theo định hướng quy hoạch chung thị xã”.
Đồng thời, An Nhơn cũng đặc biệt quan tâm việc làm sao giữ giá trị, dấu ấn văn hóa làng xưa trong phố hiện đại. Ông Đào Xuân Huy chia sẻ thêm: “Bảo tồn di sản văn hóa, nghệ thuật nhìn từ những công trình cổ, những kiến trúc lịch sử góp phần quan trọng vào việc giữ gìn nét đẹp trong không gian đô thị, tạo sự kết nối văn hóa truyền thống - hiện đại, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Do vậy, trong quá trình quy hoạch, triển khai nâng tầm đô thị lên thành phố, thị xã luôn coi trọng yếu tố bảo tồn không gian văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, lịch sử để bảo đảm sự phát triển hài hòa không gian đô thị”.
Phát triển đô thị gắn với giá trị văn hóa - lịch sử
Từ tiền đề đó, TX An Nhơn đã quan tâm phát huy giá trị các di sản văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống và môi trường sinh thái để phát triển du lịch cả bề rộng lẫn chiều sâu, hướng đến tạo sản phẩm du lịch phong phú, tăng thời gian lưu lại, chi tiêu của du khách. An Nhơn xác định đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thị xã trong tương lai.
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH&TT TX An Nhơn, cho hay: Thị xã hiện có 19 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh), 4 lễ hội truyền thống, 16 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp đang hoạt động, nhiều danh lam, thắng cảnh còn giữ được vẻ nguyên sơ. Thời gian qua, chính quyền đã quan tâm quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.
Cổng di tích Thành Hoàng đế. Ảnh: A.N
Hiện nay, công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị gắn với giá trị văn hóa - lịch sử đang được TX An Nhơn đẩy mạnh để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố vào năm 2025, từng bước góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Để hoàn thành các tiêu chí đó, UBND tỉnh đã giao Sở VH&TT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành lập các thủ tục để xây dựng Đền thờ Thái Đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Đàn Nam Giao và các hạng mục khác theo quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện việc mở rộng, nâng cấp, thảm nhựa đường đến di tích Đàn Nam Giao; nghiên cứu, đề xuất thực hiện quy trình tế lễ theo từng loại hình di tích, công trình văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống theo quy định...
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, nhấn mạnh: “Từ nay đến năm 2025, TX An Nhơn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thành trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng trọng điểm như: Di tích Cột cờ Thành Bình Định, khu lưu niệm Bàn Thành Tứ hữu bên sông Trường Thi, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, đàn Nam Giao, nhà tưởng niệm thầy Trương Văn Hiến... Bên cạnh đó, TX An Nhơn còn gắn kết chương trình phát triển làng nghề với phát triển du lịch; trong đó, tập trung nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hợp lý mặt bằng khuôn viên của cơ sở sản xuất, xây dựng, phát triển và hoàn thiện hạ tầng thông tin cho các làng nghề để kết hợp phát phát triển du lịch...”.
TRỌNG LỢI