Xưa chiến khu, nay miền đất hứa
Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng căn cứ Núi Bà (huyện Phù Cát) giữ vị trí chiến lược quan trọng, là nơi ghi dấu tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Bình Ðịnh. Giờ đây, vùng chiến khu năm xưa đang khởi sắc mạnh mẽ, đặc biệt khi tuyến đường 639 ven biển qua thị trấn Cát Tiến và các xã Cát Hải, Cát Thành được mở rộng, đã thúc đẩy phát triển KT-XH tại các địa phương.
DIỆN MẠO MỚI TRÊN VÙNG CHIẾN KHU XƯA
Một ngày đầu tháng tư lịch sử, tôi về lại Núi Bà. Vùng quê thuần nông của chiến khu xưa dần hiện lên nét đô thị khang trang. Điểm đến đầu tiên của tôi trong hành trình là thị trấn Cát Tiến. Vài năm gần đây, diện mạo Cát Tiến đổi thay rõ nét, những khu dân cư với nhà cao tầng mọc lên, đường sá được mở rộng thông thoáng, cảnh quan sạch đẹp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ diễn ra nhộn nhịp, du khách đến đây nhiều hơn. Vùng đất gian khó ngày nào giờ đã lộ rõ nét thịnh vượng...
Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà (ở khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến) thu hút nhiều du khách tham quan, về nguồn.
Chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng trên quê hương mình, ông Nguyễn Văn Tâm, CCB, Bí thư Chi bộ khu phố Phú Hậu, chia sẻ: “Trước kia người dân Cát Tiến chủ yếu làm nông, còn bây giờ thì phần lớn là buôn bán, nhất là làm dịch vụ du lịch, nói chung người dân có việc làm, thu nhập nên đời sống ổn định. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, góp phần xây dựng đô thị văn minh, nếp sống văn hóa”.
Không chỉ có Cát Tiến thay da đổi thịt mà bức tranh nông thôn mới ở các xã Cát Hải, Cát Thành cũng nhiều gam màu sáng. Dọc hai bên đường 639 mở rộng chạy ngang xã Cát Hải có chiều dài khoảng 17 km, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên sau khi tuyến đường nâng cấp xong.
Trò chuyện với tôi trong căn nhà mới rộng hơn 150 m2 mặt tiền đường 639 vừa xây xong cuối năm ngoái, ông Bùi Văn Thì, 73 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cát Hải, bồi hồi: “Cát Hải là nơi diễn ra những trận càn ác liệt với bom, đạn pháo của địch dội liên tục trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Vùng đất này là nơi thừa gió, thiếu nước, dư nắng nên việc canh tác của bà con trước đây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết; còn việc đi lại thì cách trở bởi 3 đèo 4 động heo hút. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, Cát Hải đã mang diện mạo mới. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa KT-XH ở địa phương phát triển toàn diện, đời sống bà con khấm khá hơn, ai nấy đều vui mừng!”.
Với sức lan tỏa của phong trào xây dựng nông thôn mới, cũng hưởng lợi từ tuyến đường 639 mở rộng, xã Cát Thành giờ đây cũng khoác “áo mới”. Cụ Mai Huy, 82 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, xúc động: “Nơi này trước đây là vùng “đất trắng”, không có nhà cửa, thế mà giờ đây đã đổi khác rất nhiều, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc; đường trục chính rộng thênh thang được trải nhựa phẳng phiu, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, buôn bán. Làng quê Cát Thành đang trên đà đổi thay phát triển rất nhiều sau mấy mươi năm”.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Được thiên nhiên ưu đãi với những bờ biển mang nét đẹp nguyên sơ, địa thế sơn thủy hữu tình, cộng với hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thị trấn Cát Tiến và các xã Cát Hải, Cát Thành từng bước khai thác tiềm năng, phát triển du lịch.
Anh Võ Thanh Sang, ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, hồ hởi nói: “Trước đây nhà tôi cũng ở trước mặt đường, rồi Nhà nước mở rộng đường, tôi được đền bù diện tích hơn 100 m2, nên có tiền xây nhà mới khang trang hơn. Đường sá mở rộng, bà con có cơ hội phát triển, như tôi xây nhà mới, rồi mở cửa hàng bán đồgia dụng. Nhiều hộ khác ở địa phương cũng ở mặt đường thì đầu tư làm quán ăn, nhà hàng để phục vụ du khách về đây tham quan, du lịch”.
Tuyến đường 639 chạy dọc ven biển qua thị trấn Cát Tiến và các xã Cát Hải, Cát Thành được mở rộng đã thúc đẩy phát triển KT-XH tại các địa phương.
Qua thời gian khó, việc xã Cát Thành đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019 đã tạo sức bật cho vùng đất này. Đến nay, thu nhập của người dân xã Cát Thành đạt 42,8 triệu đồng/ người/năm, tăng 10,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành Mai Văn Bé cho biết: “Định hướng phát triển KT-XH của địa phương là giảm dần giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, phát huy lợi thế của địa phương. Theo đó, sẽ từng bước hình thành, phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại theo các trục đường kết nối với tuyến đường ven biển 639 mở rộng. Tạo điều kiện cho các DN đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái suối khoáng Chánh Thắng, các khu du lịch theo đồán quy hoạch chung của tỉnh, của huyện đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 để đưa Cát Thành phát triển hơn trong tương lai”.
Tại thị trấn Cát Tiến, các khu, điểm du lịch, như: Khu dã ngoại Trung Lương, khu nghỉ dưỡng Crown Retreat Quy Nhơn, khu tâm linh Phật pháp Linh Phong, thiền viện Thiên Hưng hình thành, cùng với tuyến đường 639 được Nhà nước quan tâm mở rộng, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa thị trấn Cát Tiến vươn lên phát triển xứng tầm đô thị.
Chia sẻ về những định hướng phát triển đô thị Cát Tiến, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đặng Văn Hà cho biết: Thu nhập bình quân đầu người ở Cát Tiến nay ước đạt 63 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người/ năm so với năm 2020. Cùng với các dự án khu khách sạn cao tầng, khu vui chơi giải trí Phú Hậu đã và đang được triển khai xây dựng, thị trấn đầu tư mở rộng chợ Kẻ Thử, chỉnh trang đô thị để tham gia tạo động lực phát triển du lịch.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN