Đổi thay ở xã tái định cư Vĩnh Thuận
Cách đây 16 năm, khi xây dựng hồ chứa nước Định Bình, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) được thành lập để phục vụ tái định cư của người dân vùng lòng hồ. Đến nay, nhờ sự quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất của Đảng và Nhà nước, người dân Vĩnh Thuận đã an cư, lạc nghiệp.
Xã Vĩnh Thuận được thành lập vào năm 2006, có 200 hộ dân, chủ yếu là người Ba na; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 90%. Với quan điểm tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con phát triển kinh tế, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà rông văn hóa… tại nơi tái định cư được đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm đã giúp cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc.
Tuyến đường ĐH 43 kết nối từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến xã Vĩnh Thuận mở ra cơ hội phát triển cho người dân địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Phúng cho biết: Với đặc thù là xã miền núi, trong phát triển kinh tế, địa phương đã dựa vào “2 trụ cột” chính là sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi. Đến nay, xã có 375 ha đất canh tác các loại cây trồng cạn như: Đậu đen, đậu xanh, bí đỏ, bắp, ớt… Ngoài ra, nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư nên diện tích 31 ha sản xuất lúa được cấp nước tưới quanh năm, năng suất đạt bình quân 58 tạ/ha. Cùng với đó, chăn nuôi cũng có bước phát triển, với tổng đàn trâu, bò trên 1.300 con, đàn dê 210 con, đàn heo 238 con…
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của xã Vĩnh Thuận tăng 15,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 18 triệu đồng. Qua rà soát, đánh giá, xã Vĩnh Thuận đã đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Điều ông Phúng tâm đắc nhất khi nói về xã Vĩnh Thuận hôm nay đó chính là hệ thống đường giao thông được đầu tư tương đối hoàn thiện. Tuyến ĐH43 với chiều dài hơn 7 km kết nối từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến các làng trong xã được thảm nhựa với kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ năm 2019 đã giúp cho người dân địa phương đổi đời nhờ kết nối thông thương hàng hóa, nông sản làm ra được tiêu thụ thuận lợi, giá cao hơn trước. Cùng với đó, các tuyến đường giao thông trong làng cũng đã được bê tông hóa, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi quanh năm.
Lời vị lãnh đạo xã được anh Đinh Dun, một nông dân ở làng 8 chứng minh: Lúc đầu mới chuyển lên đây ở, hầu hết người dân đều nghèo khổ. Bây giờ hầu như hộ nào cũng có của ăn của để, cuộc sống thoải mái hơn. Riêng gia đình anh canh tác 2 ha đất trồng các loại đậu, kết hợp trồng rừng và nuôi hơn 10 con bò lai, mỗi năm có thu nhập gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Đến thăm làng 6, xã Vĩnh Thuận hôm nay, dễ dàng nhận thấy cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Trưởng làng 6 Đinh Miêng hồ hởi: Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, cùng các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới đã giúp người dân sản xuất ngày một hiệu quả hơn, ai cũng đều có cơ hội đổi đời. Hiện, 33 hộ trong làng không còn hộ nào thiếu đói, số hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Không chỉ phát triển kinh tế mà đời sống tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng cao.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Kế Đấu, những kết quả đạt được trên chính là bằng chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho nhân dân vùng tái định cư. Đúng theo cam kết của lãnh đạo tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc sống của nhân dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với các chương trình, dự án khác để nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
NGUYỄN QUÝ