“Điểm tựa” của nhân dân Suối Mây
Ông KSo Chờ Ké (SN 1964, dân tộc Chăm, ở khu phố Suối Mây, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) nhiều năm liền được người dân tin tưởng bầu là “Người có uy tín”. Ông luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương, nhất là giữ rừng, bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn minh.
Trước đây, tuyến đường nội bộ trong khu phố dẫn vào lòng hồ Suối Mây là đường đất, nhỏ hẹp, mùa nắng bụi bặm, mùa mưa lầy lội, gây khó khăn trong việc đi lại. Tháng 7.2021, UBND huyện Vân Canh có chủ trương bê tông hóa tuyến đường, rộng 5,5 m, dài hơn 1,5 km. Tuy nhiên, tuyến đường nâng cấp này lại “ăn sâu” vào gần 5.000 m2 đất sản xuất của 20 hộ dân.
Ông KSo Chờ Ké (giữa) cùng người dân và cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh kiểm tra tuyến đường bê tông mới hoàn thành.
Ở khu phố Suối Mây, có đến 95% dân số là người Chăm và Bana. Cuộc sống của người dân còn nghèo, kinh tế dựa vào làm ruộng, trồng rừng nên việc vận động hiến đất làm đường quả thực rất khó. Cùng là người địa phương nên ông KSo Chờ Ké thấu hiểu và sâu sát hoàn cảnh từng gia đình. Ông và Ban khu phố có những cách thuyết phục khác nhau. Tất cả đều trên tinh thần việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Nhờ vậy, bà con đều hiểu đúng về chủ trương, chính sách của huyện, đồng ý tự nguyện hiến đất làm đường.
Ông Đoàn Văn Chương, ở khu phố Suối Mây, bộc bạch: “Khi được ông Ké nhiều lần đến nhà tuyên truyền, vận động hiến đất làm đường, tôi và gia đình mới hiểu rõ được chủ trương của huyện. Đường được mở rộng, bê tông hóa thì tôi và bà con sẽ được hưởng lợi, có điều kiện phát triển kinh tế, đi lại thuận lợi bất kể thời tiết nắng mưa. Chính vì thế, tôi đã bàn bạc cùng gia đình tự nguyện hiến trên 1.000 m2 đất sản xuất, phá dỡ hàng rào để làm đường”.
Ông Ké chia sẻ: “Mới đầu khi đi vận động từng gia đình hiến đất làm đường, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì dân trí không đồng đều, một số người tâm tư, tính hơn, tính thiệt vì phải “xẻo” mảnh đất của cha ông để lại mà không được hỗ trợ đồng nào. Tôi đã kiên trì, thuyết phục bà con cần phải tính “thiệt trước mắt, lợi dài lâu””. Khi thấy một số hộ đồng loạt hiến đất, dỡ công trình, nhổ bỏ keo, các hộ còn lại cũng từ từ thuận theo, giao đất cho UBND thị trấn Vân Canh sớm giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ.
Bên cạnh việc vận động nhân dân hiến đất làm đường, ông Ké còn tích cực vận động, kêu gọi các gia đình cam kết thường xuyên thực hiện thu gom rác thải, giữ vệ sinh môi trường từ đường vào cổng nhà luôn xanh - sạch - đẹp, nhắc nhở người dân quét dọn và sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng… Đến nay, tình trạng rác sinh hoạt vứt bừa bãi không còn, hình ảnh một khu phố văn minh dần lộ diện.
Trong công tác bảo vệ rừng, ông Ké đề nghị lập hương ước giữ rừng, tuyên truyền để 100% hộ dân tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép.
“Trước đây, người dân trong khu phố còn nghèo, chưa hiểu biết nên còn tình trạng sống du canh, du cư, phá rừng, lấn đất rừng làm nương rẫy. Nhưng nay, đời sống nhân dân đã khá hơn, dân trí cao hơn nên hiểu được tầm quan trọng của rừng. Vì vậy, tôi và Ban Khu phố đã họp, đề ra hương ước bảo vệ rừng để mọi người cùng thực hiện. Khi có người vi phạm chặt phá rừng thì chúng tôi cứ theo quy định của hương ước đề ra để xử nghiêm khắc. Nhờ vậy, những cánh rừng trên địa bàn luôn được bảo vệ và xanh tốt”, ông Ké chia sẻ.
CHƯƠNG HIẾU