Homestay tiền tỷ của người Bana ở An Toàn
Hiện trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, duy nhất ở thôn xa nhất thuộc xã An Toàn (huyện An Lão) có hộ dân làm dịch vụ homestay, đi trước đón đầu, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Cách đây một năm, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện An Lão tổ chức khảo sát tiềm năng phát triển du lịch, khi đến thôn 1 xã An Toàn, nhiều thành viên trong đoàn ngạc nhiên khi thấy có một homestay được xây dựng khá quy mô.
Homestay của gia đình chị Phạm Thị Kênh thu hút đông khách vào dịp cuối tuần. Ảnh: NVCC
Homestay của gia đình chị Phạm Thị Kênh (40 tuổi, người Bana, hai vợ chồng cùng làm ở Trạm Y tế xã An Toàn). Theo chị Kênh, việc đầu tư làm dịch vụ từ “cơ duyên” khi có đoàn khách người nước ngoài được hướng dẫn viên du lịch ở TP Hồ Chí Minh đưa đến An Toàn để khám phá thác K50 (vùng rừng núi giáp ranh giữa huyện An Lão và huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Gia đình chị cho ở nhờ nhà sàn không lấy tiền, họ rất cảm kích và khuyên nên mở homestay để góp phần phát triển du lịch cộng đồng.
“Tôi luôn tâm tư khi vùng cao quê mình có phong cảnh đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống mà còn ít người biết đến... Gia đình làm homestay trước hết bởi tâm nguyện góp phần thu hút du khách khắp nơi đến với An Toàn; ngoài khám phá cảnh đẹp còn biết đến ẩm thực, phong tục, tập quán của người miền núi...”, chị Kênh bộc bạch.
Khách ở homestay của gia đình chị Kênh được hướng dẫn tham quan đồi sim An Toàn (thuộc thôn 1, xã An Toàn). Ảnh: Homestay
Homestay hoạt động từ cuối năm 2020, sau đó gia đình chị Kênh tiếp tục đầu tư thêm. Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chị Kênh mua nhiều bộ trang phục thổ cẩm truyền thống Bana để khách có nhu cầu mặc chụp hình lưu niệm. Chị còn tổ chức các đêm lửa trại uống rượu cần ở khoảnh sân rộng trước homestay; liên hệ đội cồng chiêng, múa xoang của thôn đến diễn tấu, giao lưu giúp khách (khách tự thỏa thuận bồi dưỡng cho đội).
Khách ở homestay còn được dẫn lên rẫy của gia đình chị, thêm thích thú khi tự tay hái các loại rau, xoài, bưởi, nhổ mì. Bên cạnh đó, chị Kênh tạo điều kiện cho người dân trong thôn tham gia hướng dẫn khách đường đi để khám phá những nơi có phong cảnh đẹp, hoặc trải nghiệm bắt cá ở sông suối...
Khoảng sân trước homestay được gia đình chị Kênh làm hồ nước, trồng hoa cẩm tú cầu để tạo ấn tượng đẹp cho du khách ngay từ lối vào. Ảnh: HOÀI THU
Thấy khách vui vẻ, hào hứng khám phá, khen quê hương mình đẹp, chị Kênh càng “say” làm du lịch. Cách đây chục ngày, chị mua về 15 lều du lịch để đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ muốn du lịch trải nghiệm, cắm trại ngủ lều qua đêm ở những khu vực núi rừng còn nguyên sơ, phong cảnh đẹp như đồi sim An Toàn, bãi cỏ rộng rãi ở lưng chừng núi... Ngoài ra, chị còn dự tính đầu tư thêm thiết bị điện năng lượng mặt trời loại nhỏ, phù hợp sử dụng ở rừng núi, nhằm phục vụ tốt hơn khách đi cắm trại.
Homestay của gia đình chị Phạm Thị Kênh xây dựng trên diện tích 600 m2, hiện có 12 phòng ở, giá phòng đơn 200 nghìn đồng/ ngày, phòng đôi 300 nghìn đồng/ngày. Số thoại liên hệ: 0369592745.
Khi tình hình dịch Covid-19 được khống chế, vào dịp cuối tuần, homestay của chị Kênh thường kín chỗ. Dịp nghỉ lễ 30.4 năm nay, tất cả các phòng ở homestay đã có khách đặt trước. Không tăng giá vào dịp lễ, Tết, chị Kênh còn vui vẻ cho khách ở nhiều người trong phòng mà không tính phụ phí (phòng đôi có khi ở đến 10 - 15 người), vẫn cung cấp đầy đủ chăn, mùng, nệm... để khách cảm thấy thoải mái nhất.
Chị Kênh chia sẻ: “Tâm huyết với quê hương nên gia đình tôi đầu tư rất lớn, ngoài dùng hết tiền dành dụm nhiều năm qua còn phải vay thêm ngân hàng; đến nay tổng chi phí đầu tư làm dịch vụ homestay đã gần 2 tỷ đồng. Cũng may trời thương, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, ủng hộ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn Đinh Văn Liêu, gia đình chị Kênh đã tiên phong “nghĩ khác làm khác”, góp phần phát triển du lịch văn hóa cộng đồng nói riêng và KT-XH nói chung ở địa bàn xa xôi, còn nhiều khó khăn.
“An Lão định hướng phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với du lịch sinh thái núi rừng, rất cần sự chung tay của người dân địa phương. Trên địa bàn huyện chỉ có vài hộ dân ở thôn 1 xã An Toàn làm homestay, chủ yếu tận dụng nhà ở có sẵn nên còn hạn chế khi phục vụ du lịch. Song, đã có đổi thay tích cực khi gia đình chị Phạm Thị Kênh mạnh dạn đi đầu với cách làm dịch vụ homestay khá bài bản, quy mô, đáp ứng nhu cầu du khách nên nhận được nhiều sự ủng hộ”.
Trưởng Phòng VH-TT huyện An Lão CHÂU ANH TẾ
HOÀI THU