Đất trung du làm nông nghiệp xanh - sạch - hiện đại
Chỉ qua 6 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhờ xác định hướng đi đúng, cách làm phù hợp, huyện Hoài Ân đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bây giờ, những nông sản mang thương hiệu Hoài Ân như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, tiêu hột, trà Gò Loi, heo thịt, gà ta thả vườn… đã vươn xa khắp mọi miền đất nước.
Cuộc cách mạng từ đất
Với đặc thù là huyện trung du miền núi, Hoài Ân xác định, muốn phát triển đi lên không còn cách nào khác là phải dựa vào tiềm năng, lợi thế nông nghiệp để tạo đòn bẩy nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.
Và, cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp của Hoài Ân được bắt đầu từ năm 2016 khi Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được chính quyền huyện quyết liệt triển khai.
Một trang trại trồng bưởi da xanh ở xã Ân Tường Tây.
Huyện đã tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, rà soát, vận động người dân phá bỏ cây keo lai trồng trên đất nông nghiệp để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, cam, quýt đường, bơ sáp, mít Thái… Cùng với đó, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình thâm canh gắn với bao tiêu sản phẩm theo liên kết chuỗi. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, những khu vườn trước đây “ có cũng như không” giờ đã trở thành những vùng đất “đẻ ra vàng”. Cũng từ đó, nhiều gia đình từng lâm cảnh nghèo khó đã thoát nghèo, có hộ trở thành triệu phú, tỷ phú.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín cho hay: Nhờ thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích trên 1.653 ha, tập trung tại các xã: Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, thị trấn Tăng Bạt Hổ… Nhiều khu vườn trồng thâm canh bưởi da xanh, dừa xiêm, cam đường, tuy mới bắt đầu chu kỳ khai thác nhưng có mức lợi nhuận hằng năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Điển hình trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao ở Hoài Ân có thể kể đến hộ ông Phạm Đình Đô (59 tuổi, ở thôn Long Quang, xã Ân Mỹ). Cách đây 6 năm, ông Đô đã mạnh dạn chuyển đổi 7 ha đất trồng keo sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, quýt đường, cam sành, dừa xiêm, mít Thái... cho thu nhập 250 - 300 triệu đồng/ năm. Ngoài thu nhập chính từ các loại cây ăn trái, ông Đô còn trồng xen canh nhiều loại cây ngắn ngày khác trong trang trại như: Ớt, sả, đu đủ, nghệ... mỗi năm thu nhập thêm hơn 150 triệu đồng.
Ông Đô phấn khởi cho biết: “Trước đây, cứ mãi loay hoay với các loại cây như điều, keo, bạch đàn cho thu nhập chẳng được bao nhiêu. Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả nên thu nhập của gia đình tăng đáng kể, cuộc sống dần khá giả”.
Bên cạnh trồng trọt, Hoài Ân còn được biết đến là vựa chăn nuôi heo, gà thả đồi. Đến nay, huyện có 30 trang trại chăn nuôi có mức doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Điển hình trong làm giàu từ chăn nuôi gà thả vườn ở Hoài Ân là ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.
Ông Mai Văn Rõ chia sẻ: “Hơn 10 năm gắn bó với chăn nuôi gà, với những kinh nghiệm đúc kết được, cùng sự khuyến khích, động viên của chính quyền, từ năm 2014 đến nay, tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thả đồi trên diện tích 4 ha. Có năm, đàn gà của tôi lên đến 30.000 con, sau khi xuất chuồng doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng”.
Xây dựng thương hiệu, nâng tầm nông sản
Điều đáng ghi nhận ở Hoài Ân là bên cạnh tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng được chú trọng. Đến nay, huyện đã có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm.
Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện đã có 14 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP. Trong đó, có 13 sản phẩm xếp hạng 3 sao, 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Tiêu biểu như các sản phẩm: Nhang trầm hương, bưởi da xanh, chè Gò Loi, chè nụ hoa hòe, gạo sản xuất theo hướng hữu cơ, bún gạo khô, mật ong dú, nem chả Ngọc Liễu...
Hiện nay, huyện Hoài Ân đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như: Heo nuôi, gà ta thả vườn, mít Thái, tiêu hột. Đồng thời, đăng ký 28 sản phẩm nông nghiệp ở địa phương để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
Nhờ chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu, những sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Hoài Ân đã có cơ hội vươn ra mọi miền đất nước. Riêng trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bình quân mỗi ngày huyện xuất khoảng 1.700 con heo các loại; 7.000 con gia cầm; hơn 10 tấn trái cây… mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hoài Ân mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra vững chắc cho nông sản địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Hoài Ân là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh nhờ xác định hướng đi đúng, lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, phù hợp, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Phát huy những kết quả đạt được, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thu hút các nhà máy chế biến về đầu tư tại các cụm công nghiệp, tạo đầu ra bền vững cho nông sản và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tỉnh luôn quan tâm, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhất để Hoài Ân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian đến”.
NGUYỄN HÂN