Doanh nhân Đỗ Thanh Hùng: Lòng luôn hướng về quê hương
Trong dịp về quê nhà tại phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn để trao tặng nhà tình nghĩa cho bà con nghèo, doanh nhân Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung, hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, đã chân tình chia sẻ về mình - một người con xứ Dừa luôn nặng tình với quê hương.
Một ngày cuối tháng 3.2022, vừa tới sân bay Phù Cát, ông Đỗ Thanh Hùng liền gọi điện hẹn tôi tại trụ sở UBND phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn). Nở nụ cười hiền hậu, bắt tay chào nhau, ông Hùng mở lời: “Anh em mình làm việc lâu nay, mà giờ mới được gặp mặt nhau”. Lần đầu tiên gặp mặt, nhưng cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở, thân tình…
Từ trẻ mồ côi đến doanh nhân thành đạt
● Để có được thành công như ngày hôm nay, hẳn ông đã trải qua nhiều dâu bể trong cuộc đời?
- Cuộc đời tôi nó rất đặc biệt, cha mẹ tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hy sinh khi tôi còn nhỏ. Năm tôi 10 tuổi, mẹ tôi mất. 2 năm sau, cha tôi cũng qua đời. 12 tuổi tôi đã phải làm thuê để nuôi các em vì cha mẹ không còn, vừa nuôi em, tôi vừa tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà. Đến năm 1971, Đảng và Nhà nước đưa tôi ra miền Bắc học tập. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tôi trở về quê hương, nhưng lúc này tôi không còn nơi nương tựa, nhà không có, người thân già yếu, nghèo khổ, tôi phải vào TP Hồ Chí Minh để lập nghiệp.
Ông Đỗ Thanh Hùng (thứ 5 từ phải sang), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung, trao ủng hộ 40 triệu đồng xây nhà tình thương tại phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ban đầu tôi công tác trong ngành Công an; đến năm 1986, tôi chuyển về làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ đầu tư KHKT Quận 3, TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ nghiên cứu phát triển các ngành bao bì - đây cũng là cơ duyên để tôi gắn bó và thành công với ngành sản xuất bao bì sau này. Năm 1993, tôi xin nghỉ hưu trước tuổi và ra thành lập Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung hoạt động cho đến nay.
● Ông có thể chia sẻ đôi nét về DN của mình?
- Sau gần 30 năm hoạt động, Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung (trụ sở chính tại Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có 2 nhà máy chuyên sản xuất giấy và bao bì giấy carton hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 2647-2, G7... phục vụ hơn 200 đối tác trong và ngoài nước, tạo việc làm cho gần 500 lao động. DN chúng tôi nằm trong top 20 DN lớn của ngành bao bì Việt Nam.
● Không những chú trọng đến lợi ích kinh doanh, được biết Công ty của ông rất quan tâm đến quyền lợi của người lao động…
- Quyền lợi của người lao động chính là một lợi ích kinh doanh đấy thôi! Một DN muốn phát triển bền vững thì hướng phát triển đầu tiên là hướng đến lợi ích của người lao động. Thế nên, ngoài thực hiện các chế độ bảo hiểm như luật định, chúng tôi còn mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, việc này ít có DN nào thực hiện.
Chúng tôi còn thành lập quỹ “Trái tim Việt Trung” để hằng tháng người lao động đóng góp vô quỹ, rồi Công ty trích từ quỹ để hỗ trợ cho những công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, hay gia đình có tang lễ.
Sẻ chia với người nghèo, tri ân cuộc đời
● Hướng về cộng đồng cũng là một cách thể hiện trách nhiệm xã hội của DN và tạo động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của DN phát triển, ông có nghĩ vậy?
- Tuổi thơ của tôi trải qua quá nhiều cơ cực khi sống trong thời chiến, nên khi thành đạt thì tôi luôn nghĩ về quê hương, nghĩ về bà con nghèo. 30 năm qua, tôi đã dành ra một khoản quỹ của cá nhân mình để giúp những hoàn cảnh khó khăn ở miền Tây, ở quê nhà Bình Định xây nhà tình thương, khuyến học… Với tôi, sự sẻ chia, quan tâm đến bà con nghèo như để tri ân cuộc đời, tạo ra được những tác động tích cực đến xã hội là tôi thấy hạnh phúc vô cùng.
Kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhưng với tôi thì không thể bất chấp tất cả để có lợi nhuận. Mình phải làm sao để lợi ích một phần cho Công ty tái tạo sản xuất, một phần lo cho người lao động và một phần để lo cho cộng đồng.
● Điều gì để lại ấn tượng nhất đối với ông trong hành trình làm từ thiện?
- Đến giờ, mỗi lần nhắc lại, tôi không khỏi xúc động khi nhớ về những chuyến làm từ thiện tại miền Tây. Quê mình khổ, nhưng bà con cũng có nhà ngói để ở, còn ở miền Tây thì phần lớn bà con nghèo ở nhà tranh vách lá tạm bợ. Tôi gặp rất nhiều trường hợp khổ lắm, có nhà thì vợ bị bệnh nằm liệt một chỗ, chồng bỏ đi, con gái mới 12 tuổi vừa đi học, vừa đi bán vé số nuôi mẹ. Rồi có trường hợp cháu kia mồ côi cha mẹ năm 11 tuổi, lại phải nuôi đứa em 8 tuổi khi bà nội mình mất. Hai chị em sống dựa vào khoản tiền trợ cấp của Nhà nước 700 nghìn đồng/tháng. Sáng ra đứa lớn chuẩn bị đi học thì giăng sẵn tấm lưới dưới sông để trưa về vớt lên kiếm cá ăn. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt, lương tâm cứ thôi thúc phải giúp đỡ họ. Hồi đó, tôi làm chương trình “Khát vọng sống” để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở miền Tây vươn lên trong cuộc sống.
● Ông bà ta thường nói “của cho không bằng cách cho”…
- Tôi ý thức rất cao trong chuyện này đó. Hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa tại các địa phương, có thể tôi nhờ địa phương trao, nhưng đến khi tổ chức trao nhà thì dù bận rộn mấy tôi cũng cố sắp xếp về tận nơi để chia vui với bà con. Thật sự là như thế này, bà con luôn muốn biết mặt người đã giúp mình. Mình có về trò chuyện chia sẻ với bà con thì mới thấy việc mình làm nó ý nghĩa. Và nói thật, phải như thế thì tôi mới thấy hạnh phúc.
Như hồi còn làm chương trình “Khát vọng sống” ở miền Tây, mỗi lần tôi đi - về từ TP Hồ Chí Minh xuống Hậu Giang mất 8 tiếng đồng hồ, mà làm thủ tục tặng quà chỉ có 30 phút, song tôi vẫn đi. Với tôi, hỗ trợ bà con không chỉ về vật chất, mà trên hết là cả tấm chân tình, sự trân trọng của mình đối với bà con, nên mình phải đến trực tiếp để trao.
Nặng tình với quê hương
● Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho hoạt động của Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, cũng như Hội đồng hương Tam Quan?
- Tôi được anh em trong Hội tín nhiệm giao đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay. Mình làm công tác xã hội là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, vì lòng mình muốn như thế, muốn góp phần với quê hương, nên để hoạt động của Hội thành công thì mình phải nói đi đôi với làm và phải làm trước.
Hoạt động gì do Hội tổ chức, tôi tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, thời gian ra trước, rồi mới vận động anh chị em hưởng ứng. Nhờ vậy, hoạt động của Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh mới mạnh, đóng góp thiết thực cho bà con đồng hương, cho quê nhà; đặc biệt các hoạt động do Hội tổ chức trong đợt dịch Covid-19 hoành hành vào năm ngoái.
● Ông có thể chia sẻ thêm về những hoạt động sắp tới của Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh?
- Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh có 2 hoạt động lớn tổ chức thường niên, gồm: Ngày hội người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh vào dịp đầu xuân mới và Ngày Hội thao tổ chức trong dịp Hè. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên Ngày hội người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh không tổ chức được. Hiện, chúng tôi đang tập trung kế hoạch chuẩn bị tổ chức Ngày hội thao vào tháng 6 tới với các hoạt động TDTT tạo sân chơi bổ ích, gắn kết tình đồng hương. Qua đó, vận động đóng góp kinh phí để gây quỹ cho Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng về quê nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng gắn kết với CLB Doanh nhân Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, CLB Sinh viên Bình Định tại TP Hồ Chí Minh… để tổ chức những chương trình ý nghĩa hỗ trợ cho đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh.
● Xin cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe, gặt hái nhiều thành công trong kinh doanh và có nhiều cống hiến cho xã hội, đóng góp cho quê nhà.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN