Thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động
Hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động (1.5) - lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới nhằm vinh danh những người trực tiếp tham gia các nỗ lực phát triển kinh tế quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay 30.4, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder chỉ rõ, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề với thị trường lao động toàn cầu. Khi khủng hoảng dịch bệnh chưa qua, thì một cuộc “khủng hoảng việc làm” và các vấn đề an sinh xã hội đã xuất hiện khắp trên thế giới, đặc biệt là tại các nước kém phát triển.
“Thực tế là đại dịch đang gây rất nhiều cản trở đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước kém phát triển trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, sức cạnh tranh và tiếp cận với sức khỏe cộng đồng và chất lượng giáo dục. Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà thị trường việc làm toàn cầu trải qua kể từ thời kỳ Đại suy thoái xảy ra những năm 1930”, ông Ryder nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp chính thức trên toàn thế giới hiện cao hơn đáng kể so với trước đại dịch. Dự kiến sẽ có 5,9% người lao động toàn cầu, tương đương 207 triệu người, chính thức đăng ký thất nghiệp trong năm nay. Theo dự báo, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ vẫn ở mức trên 5,4% ít nhất cho đến năm 2023. Điều đáng lo ngại là tình trạng thất nghiệp có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Trước thực tế này, Tổ chức Lao động quốc tế nhấn mạnh,“việc cần làm ngay” của các chính phủ không chỉ là chống dịch và phục hồi kinh tế, mà còn phải dành nguồn ngân sách thích đáng để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, giúp họ sớm tái hòa nhập thị trường lao động.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Malawi, kiêm Chủ tịch nhóm các quốc gia ít phát triển nhất của Tổ chức Lao động Thế giới Saulos Klaus Chilima nhấn mạnh: nếu không có các chính sách trong nước và quốc tế hiệu quả và mang tính phối hợp, có thể nhiều quốc gia sẽ phải mất “nhiều năm để khắc phục hậu quả”.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, nhiều nước trên thế giới cũng đang từng bước công bố nhiều biện pháp để hỗ trợ người lao động sau đại dịch. Ngày 30/4, Chính phủ Ma Rốc đã ký một thỏa thuận xã hội với một số công đoàn và người sử dụng lao động chính của nước này, quy định việc tăng 10% mức lương tối thiểu trong 2 năm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thông điệp của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune, gửi tới các công nhân Algeria, nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động 1.5, nêu rõ, việc bảo vệ sức mua, ổn định công ăn việc làm và chăm sóc xã hội sẽ vẫn nằm trong số các ưu tiên mà Nhà nước đặc biệt quan tâm và sẽ làm việc để huy động các nguồn tài chính cần thiết, nhất là vì lợi ích của tầng lớp trung lưu, những người có thu nhập hạn chế và các tầng lớp nhân dân nghèo khổ.
Theo Hồng Nhung (VOV1)