Thêm nhiều lựa chọn để điều trị sỏi thận
Hiện tại, Khoa Ngoại tiết niệu (BVĐK tỉnh) đang triển khai kỹ thuật tán sỏi thận qua da và tán sỏi nội soi ống mềm để điều trị sỏi thận. Đây là những phương pháp mới, có nhiều ưu điểm để bệnh nhân lựa chọn điều trị nhằm hạn chế những tổn thương không đáng có.
Sỏi thận không phải là bệnh hiếm gặp
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, sỏi thận là bệnh khá phổ biến. Có 2 cách điều trị sỏi thận là điều trị nội khoa (thường áp dụng cho trường hợp sỏi nhỏ) và phương pháp điều trị ngoại khoa (thường áp dụng điều trị cho những bệnh nhân bị sỏi lớn).
Thực hiện phương pháp tán sỏi thận mới, bệnh nhân phục hồi tốt và không để lại sẹo. Ảnh: Đ. THẢO
Thành lập từ năm 2008, Khoa Ngoại tiết niệu (BVĐK tỉnh) triển khai nhiều kỹ thuật để điều trị sỏi thận như: Nội soi ngược dòng, mổ nội soi sau phúc mạc, tán sỏi ngoài cơ thể và mổ hở… Tuy nhiên, bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, cho biết: Vấn đề đặt ra là đời sống con người ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật chuyển động không ngừng, phải làm sao để có các kỹ thuật ít xâm lấn nhưng đạt hiệu quả cao. Hiện tại chúng tôi đang triển khai kỹ thuật mới là tán sỏi thận qua da. Với phương pháp này, thay vì mổ hở thì bây giờ đi vô bằng con đường rất nhỏ và dùng tia laser tán sỏi thận. Bên cạnh đó, chúng tôi mới triển khai kỹ thuật tán sỏi nội soi ống mềm, theo đó không phẫu thuật hở trên da mà đi bằng đường niệu đạo, đi ngược lên thận và dùng tia laser để tán sỏi.
Bác sĩ Hoàng Văn Khả chia sẻ: Muốn phát triển kỹ thuật mới phải dựa theo 3 vấn đề, thứ nhất là nguồn nhân lực, thứ 2 là trang thiết bị, thứ 3 là trình độ khoa học kỹ thuật. Chúng tôi đi từ cái cơ bản mới lên cái phức tạp, những gì làm đại trà nhất cho nhân dân thì phát triển trước. Riêng về tiết niệu thì những kỹ thuật ít xâm lấn chúng tôi phát triển rất nhiều trong những năm qua.
Xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa
Kỹ thuật tán sỏi thận qua da và tán sỏi nội soi ống mềm được triển khai từ cuối năm 2020, nhưng năm 2021 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không làm được. Năm 2022, Khoa Ngoại tiết niệu bắt đầu triển khai lại các kỹ thuật mới. Theo bác sĩ Hoàng Văn Khả, hằng tuần, Khoa sẽ triển khai các kỹ thuật này vào thứ Bảy và Chủ nhật. Khi làm sẽ có các chuyên gia ở Trường ĐH Y Hà Nội hỗ trợ, giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật, tất nhiên trước đó, các bác sĩ tại Khoa cũng có nền tảng, có chứng chỉ hành nghề nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm.
So với phương pháp mổ hở như trước đây, phương pháp tán sỏi thận qua da và phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm có nhiều ưu điểm. Thứ nhất phải kể đến sức khỏe bệnh nhân. Nếu mổ hở, biến chứng trong và sau khi mổ còn nhiều, chậm phục hồi, kém thẩm mỹ thì phương pháp mới ít biến chứng, phục hồi nhanh và đặc biệt, phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm không để lại sẹo. Bên cạnh đó, bác sĩ Khả chia sẻ: Đối với vết mổ hở dài, sau khi mổ xong cần nhiều thời gian bình phục, khoảng 3 tháng sau người bệnh mới đi làm lại được. Bây giờ với phương pháp mới thì ít đau đớn, không để lại sẹo, bình phục nhanh, sau điều trị có thể làm việc ngay. Việc hòa nhập cuộc sống xã hội nhanh đem lại lợi ích rất lớn.
Nằm điều trị tại Khoa Ngoại tiết niệu, bệnh nhân Đ.T.B (65 tuổi, ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: Tôi từng tán sỏi thận một lần ở một bệnh viện khác cách đây mười mấy năm. Bây giờ tôi bị lại và viên sỏi quá lớn, gây nhiễm trùng. Các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, BVĐK tỉnh Bình Định thực hiện tán sỏi nội soi ống mềm cho tôi. Những cơn đau hết nhanh, không để lại vết mổ, tôi rất mừng.
Tương tự, bệnh nhân T.T.T (ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) cho biết: Tôi đau lưng nhiều tháng qua, đi khám mới biết sỏi thận. Tôi được các bác sĩ thực hiện tán sỏi thận qua da. Tôi thấy vết thương để lại rất nhỏ, sức khỏe bình phục cũng rất tốt.
ĐỖ THẢO