Xã Bình Thuận (Tây Sơn):
Khốn khó vì thiếu nước trong mùa hạn
Vụ Hè Thu năm nay, xã Bình Thuận gieo sạ 298 ha lúa trong kế hoạch. Ngoài ra, tận dụng các đợt mưa và nước tích trữ ở các ao hồ, bà con sản xuất thêm gần 30 ha lúa chân ruộng 3 vụ, tập trung ở thôn Thuận Truyền. Những diện tích này đang thiếu nước tưới trong khi lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng; nhiều diện tích héo, khô. Bên cạnh đó trên 25 ha mì, đậu phụng, mè chậm phát triển, héo rũ và chết cháy cục bộ.
Nan giải hơn là vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Nhiều tháng nay trên 80 hộ dân của xã Bình Thuận phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước sạch. Để có nước phục vụ ăn uống, bà con phải đi gánh nước, chở nước từ các giếng của địa phương lân cận; nhiều người phải mua nước về sử dụng một cách tiết kiệm. Việc xin nước của bà con càng khó khăn hơn, khi những giếng nước gần nhà dần cạn và khô hẳn. Như ở khu giãn dân Vùng Đồn, thuộc xóm 7, thôn Thuận Nhứt, hơn 3 tháng nay gần 10 hộ dân phải đi xin nước uống xa đến vài cây số; khoảng 50 hộ dân thôn Thuận Hạnh cũng cạn nước giếng mấy tháng nay. Còn ở thôn Thuận Hiệp, gần 20 hộ dân của xóm 7 cũng rất vất vả, tốn kém tiền bạc mua nước sinh hoạt cho người và gia súc.
Ông Tạ Văn Tấn, một hộ dân ở xóm 5, thôn Thuận Hiệp, cho biết giếng nhà ông đã cạn nước cách đây 3 tháng, để có nước sinh hoạt ông đã mua ống nước nối khoảng 400 m để mua nước bơm từ một hộ dân ở vùng giáp ranh thuộc xã Cát Tân huyện Phù Cát, với giá 20.000 đồng/giờ bơm. Để tích trữ nước, ông Tấn cũng như nhiều hộ dân khác phải đào hố, căng bạt nilon để chứa nước dùng dần. Có những hộ xa phải kéo ống trên 500 m để mua nước giếng. Ông Nguyễn Kim Ngọc, Thôn trưởng thôn Thuận Hiệp, cho biết: Toàn thôn có khoảng 102 ha đất sản xuất lúa nhưng bỏ không trong vụ Hè, chỉ có 68 ha đất màu sản xuất các loại cây chịu hạn như mì, mè, đậu. Tuy nhiên, 50% diện tích bị khô nứt, thiệt hại nặng do thiếu nước.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: Trước tình hình thiếu nước trầm trọng, để cứu cây lúa, cây màu xã đã vận động bà con đào ao, bơm tát từ kênh tưới Văn Phong. Đối với nước sinh hoạt, bà con chỉ còn cách đi chở, gánh hoặc mua về dùng. Tất cả chỉ là những giải pháp tình thế. Đặc điểm địa hình của xã Bình Thuận là mạch nước ngang, rất cạn; dùng giếng đào thì đứt mạch trong mùa khô, còn nếu giếng đóng sâu thì đụng đất sét và đá cũng không có nước. Về lâu dài, chính quyền và bà con xã Bình Thuận mong muốn các cấp, ngành chức năng nghiên cứu giải pháp cung cấp dịch vụ thủy lợi và nước sinh hoạt để bà con bớt vất vả và ổn định sản xuất.
Ánh Nguyên