Phát huy giá trị Văn chỉ Hoài Ân
Qua 10 năm (2012 - 2022) phục dựng và hoạt động, Văn chỉ Hoài Ân, ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân (được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012) đã phát huy giá trị, trở thành niềm tự hào của người dân.
Văn chỉ Hoài Ân (xưa là Văn chỉ phủ Hoài Nhơn) được xây dựng từ năm Tự Đức thứ 20 (1867) bởi các nhà khoa bảng huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn xưa (nay là huyện Hoài Ân và TX Hoài Nhơn). Đến năm 1945, Văn chỉ bị chiến tranh tàn phá chỉ còn lại dấu vết móng nền và giếng nước.
Văn chỉ Hoài Ân là biểu tượng tinh thần hiếu học, là điểm đến thu hút du khách khi về Hoài Ân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đến năm 2012, Văn chỉ Hoài Ân được phục dựng trên nền Văn chỉ xưa với diện tích khoảng 5.000 m2, gồm các hạng mục: Đình văn chỉ, nhà bia khoa bảng, nhà cộng đồng khuyến học. Văn chỉ là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân Hoài Ân, đặc biệt là bởi cụ Hồ Văn Nghĩa, người làng Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông), đỗ cử nhân năm Minh Mạng thứ 2 (1821), làm quan tới chức Tham tri - người có công đầu trong việc sáng lập, xây dựng Văn chỉ.
Theo ông Võ Chí Hà, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân - Trưởng Ban quản lý Văn chỉ Hoài Ân, hằng năm, Ban quản lý tổ chức lễ dâng hương vào mùng 1 tết Nguyên đán, lễ tế xuân thu nhị kỳ tại Văn chỉ; đón tiếp, giới thiệu về Văn chỉ cho các đoàn khách, học sinh đến tham quan... Nhờ đó, Văn chỉ Hoài Ân đã phát huy giá trị, trở thành nơi tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, giao lưu văn hóa nghệ thuật, gặp gỡ giữa các nhà trí thức trong và ngoài huyện.
Từ năm 2012 - 2021, Ban quản lý Văn chỉ Hoài Ân đã tổ chức 20 kỳ tế lễ quy mô lớn, nhỏ theo nghi lễ truyền thống; đồng thời, phối hợp với Hội Khuyến học huyện Hoài Ân và các địa phương tổ chức khen thưởng cho hàng trăm cán bộ, giáo viên tiêu biểu, hơn 2.400 lượt học sinh giỏi của các trường, học sinh giỏi từ cấp huyện đến cấp quốc gia; 900 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; 17 thạc sĩ là cán bộ, công chức huyện; tuyên dương 50 gia đình có nhiều người đỗ đạt cao và đạt danh hiệu “Gia đình học tập tiêu biểu”. Ngoài ra, còn đón tiếp, giới thiệu lịch sử Văn chỉ, văn hóa địa phương cũng như truyền thống hiếu học cho gần 100 đoàn khách đến tham quan.
Văn chỉ Hoài Ân còn là địa chỉ sinh hoạt hằng năm của CLB Thơ Đường Bình Định, CLB Thơ Hoài Ân, cựu học sinh Trường THPT Tăng Bạt Hổ, TX Hoài Nhơn. Nhiều trường học trên địa bàn huyện Hoài Ân đã chọn nơi đây là địa điểm tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh để giáo dục truyền thống...
Em Nguyễn Thị Phương An, ở thôn Ân Thường 2, xã Ân Thạnh, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: “Em luôn tự hào Hoài Ân quê mình có truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học. Em mong Ban Quản lý di tích Văn chỉ Hoài Ân thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ ích hơn nữa, nhất là công tác khuyến học, khuyến tài để giáo dục cho học sinh, sinh viên nỗ lực trên con đường học tập”.
Cũng như bao người dân khác rất vui vì Văn chỉ Hoài Ân được phục dựng, ông Lê Trọng Hy, ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh, bày tỏ: “Không chỉ đơn thuần là phục dựng lại một di tích văn hóa, lịch sử, Văn chỉ Hoài Ân còn là niềm tự hào của bà con nhân dân khi quê mình có một di tích tạo động lực cho thế hệ trẻ Hoài Ân phấn đấu học tập, rèn sức, luyện tài để góp sức xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp”.
Để Văn chỉ Hoài Ân không những là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tôn sư, trọng đạo mà còn là điểm đến văn hóa - lịch sử khi du khách về với Hoài Ân, ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Lãnh đạo huyện tạo mọi điều kiện tốt nhất để Ban Quản lý Văn chỉ Hoài Ân tổ chức các hoạt động ý nghĩa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng nhằm phát huy giá trị di tích này. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để chỉnh trang cảnh trí, nâng cấp di tích ngày càng khang trang, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN