Ðồng dài san sẻ thảo thơm
14 đầu sách với đủ thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn xuất bản từ năm 2003 đến nay cho thấy bút lực dồi dào của Ngô Văn Cư. Và mới đây, với trường ca Đi trên đường một chiều (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022), nhà thơ, nhà giáo Ngô Văn Cư thêm một lần nữa chứng tỏ tình yêu quê hương tha thiết khi viết về Hoài Ân quê mình từ trong ký ức đến hiện tại đầy hào hứng.
Trường ca Đi trên đường một chiều chảy theo mạch cảm xúc gồm 5 chương, đầy ắp niềm tự hào về xứ Hoài mà tác giả đã dày công khắc ghi.
Bìa tập trường ca Đi trên đường một chiều
Khởi nguyên - chương I của Trường ca, dẫn người đọc đến với quê hương anh. “Hoài Ân/ Mảnh đất không có đường quốc lộ ngang qua/ Nên những người H’re, Bana/ Phải níu vào Trường Sơn mà tồn tại/ Rừng thì thâm nghiêm/ Người thì cần cù chân chất/ Vạn vật hữu linh/...”.
Đến chương II - Giở trang lịch sử, ta lại thấm thía hơn: “Khởi nguyên là H’rê hay Bana/ Hay người Chăm bây giờ vắng bóng/ Mà thế kỷ mười tám/ Chàng Lía, người Kinh khởi nghĩa chống cường hào/...”. Và càng thêm thấm thía về một quê hương rộng mở hơn như Đi trên đường một chiều khẳng định: “Dân tộc ta/ Đi suốt chiều dài lịch sử/ Thời gian lo giữ nước nhiều hơn dựng xây”.
Mảnh đất, hồn người - chủ đề chương III trong trường ca Đi trên đường một chiều là vóc dáng hồn cốt quê hương qua thăng trầm lịch sử. “Tôi đã đi dọc sông An Lão, Kim Sơn/ Những soi bãi lên màu xanh trù phú/ Nhận biết rằng thân xác cha ông đã vùi sâu vào lòng đất/ Cùng mồ hôi và máu/ Làm tươi tốt ruộng đồng... Một khi đã xác tín “tin ở sức mình” thì sức mình ở đây chính là niềm tin vào nhân dân và cuộc sống; là không thể ngồi chờ một sự phù trợ nào mà phải dựa vào bàn tay, khối óc con người.
Cả chương IV - Đến Bây giờ - Ngày mai - dồn vào nhấn mạnh cái ý “Tôi tin ở quê tôi...” với dấu ấn khó phai về những ước mơ đã thành hiện thực chứa chan thi vị từ chuyện cổ đến thực tế thường ngày. Bởi thực tế đã khẳng định như câu thơ “Quê tôi bốn bề giáp núi sông/ Không quy hoạch dự án treo”.
Lời kết - Sẽ còn ai nhớ ai quên, tác giả viết: “Mỗi ngày/ Cha nhắc từng bước chân chậm rãi/ Vác cánh đồng trên vai về nhà/.../ Mỗi ngày/ Mẹ chậm rãi đi ra từ mái nhà xưa cũ/.../ Mỗi ngày/ Những người con gái con trai/ Nhấc chân ra khỏi đất quê hương...”. Đó phải chăng thanh âm cuộc sống khơi nguồn và nhắc nhở, dẫu có Đi trên đường một chiều đến với từng ngã rẽ, thì tên đất tên làng Hoài Ân sẽ là dấu ấn nhịp đập trái tim mọi người.
NGUYỄN THỊ PHỤNG